Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Tích cực đưa nghề đến tận khóm, ấp

Thứ Sáu, 13/10/2023 | 15:44

Có thể nói, đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng cho giảm nghèo bền vững. Đây cũng là một trong những việc phải làm trong thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu. Cùng với các ngành, đa phương khác trong tnh, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KT-KT) Bạc Liêu đã tích cực tham gia công tác này.

Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu tổ chức lớp đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản cho người dân xã Định Thành (huyện Đông Hải).

ƯU TIÊN CHO ĐÀO TẠO NGHỀ

Qua thống kê lao động của tỉnh Bạc Liêu vào năm 2022 cho thấy, lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên có hơn 481.990 người, chiếm 39,5% so với dân số toàn tỉnh. Đặc biệt, số người bước vào độ tuổi lao động hằng năm trên 14.520 người. Đây là nguồn lực rất dồi dào và được xác định là “tài nguyên” cần được khai thác, phát huy. Song, cũng đặt ra nhiều thách thức trong giải quyết bài toán việc làm, nhất là đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT).

Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương phải quan tâm và ưu tiên đầu tư cho công tác này. Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2022, Bạc Liêu đã hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho trên 15.150 người, với tổng kinh phí đầu tư trên 22 tỷ đồng. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo này, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 108.640 lao động. Riêng 9 tháng của năm 2023, Bạc Liêu đã đào tạo nghề cho 13.060 lao động, đạt 93,28% kế hoạch, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Đồng thời, giải quyết việc làm trong nước cho 14.298 lao động, đạt 77,28% kế hoạch.

Cùng với công tác này, Sở LĐ-TB&XH còn xây dựng kế hoạch tổ chức điều tra, khảo sát và nắm nhu cầu học nghề của người dân; tổ chức điều tra cung - cầu lao động, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Chuyển giao và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố hằng năm chỉ đạo thực hiện việc khảo sát, rà soát, bổ sung nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng và phê duyệt kế hoạch tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn quản lý. Đồng thời, hướng dẫn, kết nối cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường cao đẳng phối hợp với địa phương, các trường THPT, THCS tổ chức tư vấn, tuyển sinh, đào tạo…

Lao động nông thôn được hỗ trợ cua giống thực hành nghề nuôi cua. Ảnh: K.T

ĐƠN VỊ TIÊN PHONG

Có một thực tế phải thừa nhận rằng, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tuy được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng số lao động được giải quyết việc làm hằng năm trong tỉnh chiếm trên 30% và có gần 70% lao động phải xa xứ mưu sinh (chiếm phần lớn là LĐNT).

Bất cập và nạn “chảy máu” nguồn lực này bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính và cơ bản nhất là LĐNT không tạo được thu nhập để đủ nuôi sống bản thân và các thành viên trong gia đình. Trong đó, có nguyên nhân không nắm được các kỹ năng về nghề để áp dụng vào đồng đất, hay tạo ra thu nhập từ các nghề phi nông nghiệp từ những lao động ít hoặc không có đất sản xuất.

Với khát vọng cống hiến và chung tay cùng với tỉnh thực hiện sứ mệnh phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu đã phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH tổ chức các lớp đào tạo nghề và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho LĐNT theo hình thức đem nghề đến tận khóm, ấp. Đó là việc Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu tổ chức đưa giáo viên về cơ sở, vừa tổ chức đào tạo nghề, vừa tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất để giúp LĐNT khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có gắn với điều kiện đặc thù về tự nhiên, nhu cầu và năng lực sản xuất của từng LĐNT. Đến nay, ngoài các nghề đào tạo thế mạnh lâu nay, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu còn được phê duyệt 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và đến năm 2025 như sau: nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản thủy sản; chăn nuôi thú y; quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn. Được biết, từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH và Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu tổ chức hơn 80 lớp đào tạo nghề cho gần 3.000 LĐNT với các nghề như: chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn, sản xuất lúa chất lượng cao…

Với mục tiêu thi đua thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2024, Bạc Liêu phấn đấu sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho 14.000 người. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp: 1.500 người; đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 12.000 người và đào tạo khác: 500 người. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,31% và sẽ tham gia giải quyết việc làm trong nước cho 18.500 lao động. Theo đó, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu sẽ tiếp tục thi đua và tiên phong trong công tác này.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.