Đời sống - Xã hội
TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Thực tiễn cho thấy, đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã trở thành bài học kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo của các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, góp phần vào nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn (LĐNT) trong thực hiện các tiêu chí về thu nhập, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Khai giảng lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu).
ƯU TIÊN ĐÀO TẠO NGHỀ
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, TP. Bạc Liêu rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho LĐNT, nhất là 3 xã vùng ven: Hiệp Thành, Vĩnh Trạch và Vĩnh Trạch Đông. Năm qua, TP. Bạc Liêu đã tổ chức 17 lớp đào tạo nghề cho LĐNT ở các xã này, với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Năm 2024 này sẽ hoàn thành 15 lớp gắn với thực hiện Dự án 5 về “Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” và Tiểu dự án 3 về “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) vùng dân tộc thiểu số”. Riêng 9 tháng năm 2024, TP. Bạc Liêu đã giới thiệu và giải quyết việc làm cho 6.150/7.500 lao động, đạt 82% so với kế hoạch, tăng 5,33% so với cùng kỳ. Trong đó, tổ chức đào tạo nghề cho 3.540/4.200 lao động, đạt 84,28%, tăng 17,41% so với cùng kỳ; và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được 43/60 lao động, đạt 71,67% so với kế hoạch, tăng 16,2% so với cùng kỳ.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc học nghề còn có một ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương. Làm tốt công tác này, không chỉ giúp bà con có được nghề phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, mà còn nâng cao hiệu quả của việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng áp dụng các kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là Chương trình MTQG về xây dựng NTM nâng cao và hướng đến NTM kiểu mẫu.
Không chỉ thế, việc mở các lớp dạy nghề cho LĐNT còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.
Đến nay, công tác đào tạo nghề cơ bản phù hợp với nhu cầu người học, gắn kết với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và xây dựng NTM. Sau học nghề, phần lớn lao động có việc làm, năng suất lao động, thu nhập của người dân tăng lên. Cũng như, từ kết quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và hướng đến giảm nghèo bền vững.
Lao động nông thôn của TP. Bạc Liêu được Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu đào tạo nghề và hướng dẫn thực hành. Ảnh: K.T
ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN
Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, một trong những giải pháp được Thành ủy, UBND TP. Bạc Liêu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Trong đó, cần tập trung đổi mới toàn diện gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT.
Với quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2024 và góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, TP. Bạc Liêu sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm và phát huy hiệu quả các điểm giao dịch việc làm tại các xã, phường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ tìm kiếm việc làm trong và ngoài tỉnh và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất - kinh doanh giải quyết việc làm cho lao động. Tạo mọi điều kiện cho NLĐ tham gia thị trường lao động ngoài tỉnh và tiếp tục đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cùng với đó, tích cực phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, UBND phường, xã giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho công ty, doanh nghiệp, NLĐ trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo nghề; khảo sát nhu cầu học nghề của lao động, trên cơ sở kết quả khảo sát sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động theo địa chỉ và đảm bảo khi học xong có việc làm ổn định. Ngoài ra, tạo điều kiện học nghề cho các đối tượng chấp hành xong án phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng…
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, trong tháng 10/2024, Bạc Liêu đã đào tạo nghề được 940 người, trong đó: trình độ cao đẳng 247 người, trình độ trung cấp 45 người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 648 người. Qua đó, nâng tổng số đào tạo từ đầu năm đến nay lên hơn 13.500 người, đạt 96,49% kế hoạch năm.
Cùng với đó, trong tháng 10/2024 cũng đã giải quyết việc làm trong nước cho 799 người, nâng tổng số từ đầu năm đến nay lên 19.940 người (trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh 3.183 người và ngoài tỉnh 16.757 người, lao động nữ 8.771 người, dân tộc thiểu số 919 người), đạt 107,78% kế hoạch năm. Cũng như, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 50 người, nâng tổng số xuất cảnh từ đầu năm đến nay lên 568 người (Nhật Bản 326, Đài Loan 199, Hàn Quốc 41…), đạt 113,6% so với chỉ tiêu kế hoạch năm.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác này, Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp năm 2024, trong đó tập trung đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác tư vấn, tuyển sinh năm học 2024 - 2025. Tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo nguồn kinh phí từ các Chương trình MTQG, vốn từ ngân sách địa phương. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cho các đối tượng là giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho LĐNT trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát công tác giáo dục nghề nghiệp, trọng tâm là việc hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ.
Cùng với đó là tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch việc làm tỉnh Bạc Liêu năm 2024, nhất là kết nối có hiệu quả cung - cầu lao động, tạo nhiều việc làm và việc làm bền vững cho NLĐ. Tiếp tục theo dõi, nắm tình hình việc thực hiện Kế hoạch xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Phối hợp kiểm tra các doanh nghiệp trong chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, nhất là thực hiện quy định tiền lương, đóng các loại bảo hiểm đối với NLĐ; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho NLĐ. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025…
PHAN THANH
- Chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025
- Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Nam
- TP. Bạc Liêu: Khởi công xây dựng 18 căn nhà thuộc Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
- Vô tư chạy xe máy “đầu trần” trong trung tâm xã
- Cảnh giác với thủ đoạn cắt, ghép hình ảnh, video “nhạy cảm” để cưỡng đoạt tài sản