Đời sống - Xã hội
Thực phẩm “nhà làm” đắt hàng dịp Tết
Lo sợ sử dụng phải thực phẩm có hóa chất nguy hại nên thay vì chọn mua các loại thực phẩm được đóng gói sẵn thì những năm gần đây, các bà nội trợ lại đổ xô đi mua hàng “nhà làm”. Thực phẩm “nhà làm” được nhiều người ưa chuộng nhờ đáp ứng nhu cầu tiện lợi và tiết kiệm thời gian nấu ăn ngày Tết.
Nhiều người rao bán thực phẩm “nhà làm” trên các trang mạng xã hội. Ảnh: T.L
Chỉ cần gõ cụm từ “thực phẩm Tết nhà làm” trên mạng xã hội, người tiêu dùng có thể tiếp cận rất nhiều sản phẩm được quảng cáo hấp dẫn, hình ảnh bắt mắt và mẫu mã đa dạng, phổ biến nhất là các loại bánh, mứt, bánh tét, tôm chao, dưa kiệu, các loại khô… Giá các mặt hàng đều cao hơn so với chợ, siêu thị, song lại được khá nhiều người ưa chuộng. Để tạo sự tin tưởng và yên tâm cho khách hàng, người bán còn chụp ảnh, quay video các khâu từ chọn nguyên liệu, chế biến đến đóng gói sản phẩm rồi đăng tải lên trang cá nhân để mọi người được xem.
Năm nào cũng vậy, gần 2 tháng trước Tết là chị Ngọc Huỳnh (huyện Phước Long) cùng gia đình chuẩn bị nguồn nguyên liệu lớn làm khô, mứt dừa, dưa kiệu, tôm chao, lạp xưởng. Khách hàng của chị hầu hết là người thân, quen nên chị rất kỹ tính trong việc chọn nguyên liệu, quá trình chế biến không sử dụng phụ gia thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm. Với nhiều năm kinh nghiệm và uy tín nên lượng khách đến với chị ngày càng nhiều hơn.
Có thể nhận thấy, trào lưu làm thực phẩm “nhà làm” ngày càng lan rộng, không chỉ để những người nội trợ thỏa mãn sở thích và đam mê nấu nướng mà đang dần bắt kịp nhu cầu sử dụng sản phẩm “nhà làm”. Từ các công thức sẵn có trên mạng Internet hay học từ người thân hoặc tự sáng tạo thêm, cầu kỳ hơn, các sản phẩm bánh, mứt, các loại khô “nhà làm” dịp Tết thu hút người thưởng thức và là lựa chọn ưu tiên của nhiều gia đình.
Mặt hàng “nhà làm” còn được một số hộ gia đình đầu tư hút chân không, dán nhãn mác, bao bì chuyên nghiệp. Những mặt hàng này không chỉ cung ứng cho người quen ở địa phương mà còn cung ứng cho các tỉnh, thành khác qua hệ thống người quen, bạn bè mạng xã hội ở các vùng miền.
Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm có chất lượng, thực tế, cũng có nhiều người bán “treo đầu dê bán thịt chó”, hàng kém chất lượng gắn mác “nhà làm” để bán giá cao. Ngoài ra, nhiều cơ sở, hộ gia đình, cá nhân sản xuất thực phẩm “nhà làm” đều chế biến tự phát, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, phụ gia, phương tiện chế biến, bảo quản không được kiểm soát… Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm không đạt chất lượng, tiềm ẩn các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm.
Hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc quản lý thực phẩm “nhà làm”, trong khi đó thị phần đang ngày càng mở rộng hơn. Vì vậy, khi mua hàng người tiêu dùng chỉ nên mua chỗ uy tín, thân quen, có thương hiệu chứ không chỉ nghe qua quảng cáo để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trong những ngày Tết.
Thùy Lâm