Thiếu hụt​ nguồn lao động nghề biển

Thứ Tư, 26/10/2022 | 16:21

Thời gian qua, hoạt động khai thác, đánh bắt chưa thật sự mang lại lợi ích kinh tế ổn định cho ngư dân, nhất là việc giá dầu liên tục tăng cao trong khi giá các mặt hàng hải sản không tăng, sản lượng khai thác ngày càng thấp. Kéo theo đó, ngư phủ bị ảnh hưởng thu nhập, dẫn đến nhiều chủ tàu không đủ sức để giữ chân lao động.

Khó kiếm bạn thuyền

Đặc thù của nghề biển là chủ tàu không trả lương theo tháng mà tính theo công, tức là tính theo từng chuyến đi biển, nên khi sản lượng khai thác thấp, lại gặp lúc giá hải sản sụt giảm thì cả chủ tàu lẫn bạn thuyền đều gặp khó. Nếu như trước đây, trung bình mỗi chuyến biển (khoảng 2 - 3 tháng) thì mỗi ngư phủ được trả công khoảng 12 - 15 triệu đồng thì nay, nguồn thu nhập này bị teo tóp, chỉ còn khoảng 7 - 10 triệu đồng/người/chuyến. Nghề đi biển vất vả lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó, khi nguồn thu nhập không tương xứng với công sức bỏ ra là nhiều ngư phủ lập tức bỏ nghề, tìm công việc khác. Nghề biển cũng vì thế mà dần mất đi những ngư dân lành nghề, bơi hay, lặn giỏi, thạo việc chài lưới. Anh Trần Thanh Mi (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Trước đây tôi cũng theo nghề biển nhiều năm, nhưng theo nghề lâu mà kinh tế gia đình cứ eo hẹp, không dư dả. Vì vậy, tôi quyết định bỏ nghề biển lên bờ đi làm cho một chủ vuông, chăm sóc tôm nuôi công nghệ cao, nhờ vậy mà thu nhập gia đình cũng ổn định hơn trước. Nhiều lúc cũng nhớ cảm giác lênh đênh trên biển cùng anh em bạn thuyền, nhưng vì cuộc sống gia đình nên tôi không theo nghề biển nữa”.

Mặt khác, trong quá trình đô thị hóa, định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, nhiều loại hình thương mại, dịch vụ du lịch, công nghiệp xây dựng, chế biến thủy sản… phát triển. Việc làm trên bờ ổn định và ít rủi ro hơn nghề đi biển đã thu hút nhiều lao động, điều này tạo sức ép lớn về hoạt động phát triển kinh tế cho ngành khai thác thủy, hải sản địa phương. Bên cạnh đó, nguồn lao động tại địa phương hạn chế, tình trạng “già hóa” lao động do người trẻ không mặn mà bám biển… là những nguyên nhân khiến ngành khai thác hải sản địa phương đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

Ngư dân Gành Hào (huyện Đông Hải) vận chuyển hải sản lên bờ sau chuyến ra khơi. Ảnh: C.L

Cần có giải pháp bền vững, lâu dài

Thực tế cho thấy, lực lượng lao động nghề biển thời gian qua chỉ là sự chắp vá, được chăng hay chớ, vừa thiếu đào tạo bài bản, vừa khó có thể chủ động được nguồn nhân lực. Trong khi phần lớn đội tàu trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư các trang thiết bị hỗ trợ hiện đại nên gần như hoàn toàn phụ thuộc vào sức người trong việc khai thác, đánh bắt trên biển. Ngư dân Nguyễn Hồng Quang (ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) bày tỏ: “Phần lớn bạn thuyền bỏ nghề biển lên bờ tìm sinh kế khác là do nguồn thu nhập từ biển thấp, không ổn định, sản lượng khai thác ngày càng ít. Do đó, muốn người lao động gắn bó với nghề biển và phát triển nghề biển bền vững, lâu dài thì cần phải phổ cập chuyên môn cho một bộ phận ngư dân, bởi lâu nay nghề biển giống như nghề cha truyền con nối, dù có tìm được lao động nhưng không thạo việc thì cũng không giúp được gì nhiều cho các chủ thuyền nên rất cần được hướng dẫn trước khi tham gia nghề biển”.

Bên cạnh đó, để tìm lời giải cho vấn đề này, thời gian qua, các địa phương có thế mạnh về lĩnh vực kinh tế biển trên địa bàn tỉnh đã phân công Sở NN&PTNT thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu nghề cá ven bờ theo hướng cho phép ngư dân tham gia sản xuất với các nghề có chọn lọc, không bức hại môi trường. Giải quyết việc làm, giúp một bộ phận ngư dân có điều kiện để chuyển nghề, lên bờ lao động hoặc tiếp cận vốn vay ưu đãi nhân rộng các nghề sản xuất xa bờ hiệu quả. Đồng thời, ngư dân sẽ được đào tạo nghề, hướng dẫn, khuyến khích thực hiện mô hình đội tàu khai thác hải sản gắn với dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, sơ chế trên tàu để tăng thời gian bám biển, giảm chi phí vận chuyển...

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.