Tập trung tháo gỡ khó khăn cho Chương trình OCOP

Thứ Hai, 26/12/2022 | 16:58

“Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” là chương trình quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn. Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện, việc xây dựng sản phẩm OCOP ở các địa phương hiện gặp không ít khó khăn cần được tháo gỡ để thúc đẩy phát triển Chương trình ngày càng hiệu quả.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội chợ thương mại năm 2022. Ảnh: M.Đ

Chủ thể sản xuất còn tâm lý trông chờ, ỷ lại

Theo Sở NN&PTNT - Cơ quan thường trực Chương trình OCOP tỉnh, qua 4 năm thực hiện, Chương trình đã đạt những kết quả khả quan. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh tổ chức được 6 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, có 108 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó, có 23 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 85 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì Chương trình OCOP vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Khó khăn lớn nhất của Chương trình là nhận thức của các chủ thể tham gia tuy đã có những chuyển biến tích cực qua thời gian thực hiện nhưng vẫn còn nhiều chủ thể chưa hiểu hết ý nghĩa, lợi ích của Chương trình mang lại nên còn ngại về thủ tục, tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của địa phương.

Ngoài ra, năng lực các chủ thể còn yếu nên khó khăn trong đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm. Với quy mô sản xuất nhỏ, quy trình sản xuất sản phẩm đơn giản, trang thiết bị máy móc chưa được đầu tư nhiều, việc tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể trước khi tham gia Chương trình OCOP cũng rất khó khăn, chủ yếu là thị trường trong tỉnh. Chỉ có một số ít cơ sở đưa sản phẩm tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh.

Ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đưa Chương trình OCOP phát triển hơn trong thời gian tới, mới đây, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị đánh giá những tồn tại, hạn chế và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục.

Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình OCOP thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Lồng ghép tuyên truyền Chương trình OCOP với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP; đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, gắn với lợi thế của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, dịch vụ du lịch nông thôn…

Bên cạnh đó là tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy cho cán bộ quản lý và các chủ thể OCOP về kỹ năng tổ chức sản xuất; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; marketing và phát triển thị trường sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP; hỗ trợ ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị để hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Sớm hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, mở rộng thị trường; thực hiện mối liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị; phát triển đa dạng các kênh phân phối, đưa sản phẩm OCOP vươn xa…

Ông Đặng Minh Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: “Trong thời gian qua, ngành chức năng đã hỗ trợ cho 4 chủ thể mua sắm, lắp đặt máy móc, trang thiết bị để chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời hỗ trợ 9 chủ thể thực hiện tư vấn thiết kế lô-gô, bao bì đóng gói sản phẩm ấn tượng để thu hút khách hàng. Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ các chủ thể nâng chất sản phẩm OCOP và đóng gói sản phẩm bắt mắt, giúp khách hàng khi nhắc đến tên địa phương là nhớ ngay sản phẩm OCOP đặc trưng”.

Minh Châu

 

Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP phát triển bền vững

Trong thời gian qua, Chương trình OCOP gặp nhiều khó khăn, sản phẩm OCOP của các địa phương chưa tạo thành hàng hóa tập trung. Quy trình sản xuất, chế biến và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chưa đồng bộ; chất lượng mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Ngô Nguyên Phong (bìa trái) tham quan sản phẩm OCOP rau cần nước huyện Phước Long. Ảnh: M.Đ

Để khắc phục những khó khăn, xây dựng được thị trường đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP, ngành Nông nghiệp sẽ rà soát, thẩm định theo tiêu chuẩn mới, đồng thời hướng dẫn các đơn vị tập hợp hồ sơ, tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị thực hiện theo đúng quy định, lộ trình kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp chiến lược, đồng bộ. Cụ thể, đối với các chủ thể cần bỏ tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh kết hợp thúc đẩy giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử… Tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ để các sản phẩm OCOP địa phương được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tập trung triển khai lồng ghép các chính sách của tỉnh, địa phương để hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó, công tác truyền thông cần đi trước một bước nhằm khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, của cộng đồng. Đặc biệt là tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại vì đây là giải pháp đặc biệt quan trọng giúp cho sản phẩm OCOP tồn tại và phát triển bền vững.

Hướng tới, Sở NN&PTNT đề xuất Hội đồng tỉnh phân cấp giao sản phẩm OCOP đạt 3 sao để cấp huyện công nhận. Vì vậy, trong thời gian tới, các huyện, thị, thành phố cần kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Tổ chức tập huấn về công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm cho các thành viên Hội đồng, đảm bảo công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đạt chất lượng và hiệu quả. Chỉ đạo UBND cấp xã tích cực rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ các chủ thể chuẩn bị hồ sơ tham gia thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh...

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.