Tập trung nhiều giải pháp cho công tác bảo vệ môi trường

Thứ Sáu, 13/05/2022 | 15:32

Có thể nói, với sự gia tăng dân số tại các khu vực thành thị, nông thôn và phát triển mạnh về kinh tế đã tạo nên sức ép lớn đối với môi trường thông qua sự gia tăng các loại chất thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, chất thải từ quá trình sinh hoạt, xây dựng, giao thông… Do vậy, việc có ngay các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đã trở thành vấn đề đáng được quan tâm.

Băng-rôn tuyên truyền BVMT trên địa bàn TP. Bạc Liêu.

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ

Với thực trạng và những thách thức về môi trường đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển bền vững. Do vậy, việc tăng cường tài chính đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) phải được xem là một trong những giải pháp quan trọng cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đảm bảo việc phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường không dưới 1% trong tổng chi ngân sách của tỉnh và tăng dần hằng năm theo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó là tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ BVMT, đầu tư kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác truyền thông về môi trường. Cũng như tăng cường các chính sách khuyến khích ưu đãi, kêu gọi đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt. Hỗ trợ về vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch hệ thống bãi chôn lấp, đầu tư nâng cấp hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của tỉnh và huy động các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho quản lý chất thải rắn.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh và đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, BVMT, nhằm tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT từ các thành phần kinh tế, các tổ chức phi chính phủ.

Xây dựng quy định việc thu phí môi trường theo khối lượng phát sinh đối với các loại chất thải, nhằm khuyến khích việc giảm thiểu và phân loại chất thải. Các nguồn thu từ thuế, phí BVMT phải được đầu tư trở lại cho các hoạt động BVMT…

Công nhân thu gom rác thải sinh hoạt ở khu dân cư trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: Kim Trung

NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO CỘNG ĐỒNG

Thực tiễn đã chứng minh, một trong những giải pháp quan trọng trong công tác BVMT chính là nâng cao nhận thức cho cả cộng đồng và vấn đề xã hội hóa trong công tác BVMT. Đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hành động về BVMT, phát triển kinh tế gắn với mục tiêu “tăng trưởng xanh” theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương trong toàn xã hội, nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đồng thời, xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội và BVMT sống vì sự phát triển bền vững.

Song song đó, tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, phát triển mô hình đô thị sinh thái, nông thôn xanh, mô hình nhà ở xanh, mô hình phân loại rác thải tại nguồn theo phương pháp giảm thiểu - tái chế - tái sử dụng. Tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT, nhất là hạn chế sử dụng túi nylon dùng một lần. Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và tiêu chí cảnh quan môi trường để góp phần hiệu quả trong công tác xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao gắn với BVMT, đặc biệt là phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể gắn với các mô hình hay trong công tác BVMT như: Ra quân ngày Chủ nhật xanh, ngày thứ Bảy tình nguyện, mô hình “nhà sạch, vườn xanh”, mô hình trồng hoa kiểng ở các tuyến đường kiểu mẫu…

Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đoàn thể có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả của hoạt động lồng ghép yêu cầu BVMT trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Các chỉ tiêu môi trường phải được sử dụng để đánh giá chất lượng, hiệu quả và tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế - xã hội. Ðẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực của xã hội để thực hiện có hiệu quả công tác BVMT, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư cho công tác BVMT, nhất là các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải…

NGUYỄN CƯỜNG

Đoàn viên - thanh niên xã Hưng Phú (huyện Phước Long) ra quân ngày Chủ nhật xanh góp phần BVMT.

-------------------------------------

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, để huy động thêm nguồn lực cho cộng tác BVMT, Bạc Liêu sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ về đào tạo nâng cao năng lực quản lý, học tập kinh nghiệm về các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển khoa học - công nghệ về BVMT, nhằm tăng cường cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế về BVMT.

Xây dựng kế hoạch, chính sách thu hút các nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài (ODA); thu hút đầu tư và đề xuất triển khai các dự án hợp tác quốc tế và tài trợ quốc tế đa phương và song phương về môi trường với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Qua đó, tìm kiếm sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm, công nghệ và tài chính cho các hoạt động xây dựng mô hình phát triển xanh, mô hình sinh thái, phát triển nguồn nhân lực (đặc biệt là cán bộ khoa học - công nghệ và BVMT) đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các chương trình, dự án, đề án hợp tác, tạo cầu nối thích hợp và thuận lợi trong hợp tác khu vực và quốc tế…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.