Đời sống - Xã hội
Tập huấn kỹ năng cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm và hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Trong hai ngày (28 và 29/7/2022), Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức lớp tập huấn kỹ năng cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm và hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý nạn nhân bị mua bán.
Quang cảnh lớp tập huấn.
Cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm là một cách tiếp cận tổng thể, trong đó nạn nhân được đặt vào trung tâm, những ước muốn, sự an toàn, sự trao quyền và các vấn đề an sinh của nạn nhân được ưu tiên, không kể giai đoạn nào của tiến trình hỗ trợ (pháp lý). Cách tiếp cận này nhấn mạnh tới sự tập trung một cách có hệ thống tới những mối quan ngại, nhu cầu của nạn nhân để từ đó các dịch vụ được cung cấp một cách thấu cảm, nhạy cảm và không phán xét, cũng như phù hợp với tính dễ tổn thương của nạn nhân; cố gắng giảm thiểu việc tái sang chấn trong suốt tiến trình pháp lý và hồi phục.
MBN là hình thức vi phạm quyền con người nghiêm trọng. Do đó, khi làm việc với nạn nhân bị mua bán cần quan tâm đến quyền con người và các quyền khác như: quyền được an toàn và bảo vệ, quyền về nhân thân, quyền riêng tư và bí mật, quyền được tôn trọng nhân phẩm, quyền được thông tin, quyền được hưởng các dịch vụ, quyền được hưởng công lý, quyền được tham gia và tự quyết, quyền tự do đi lại.
Theo đó, quá trình tiếp xúc, người hỗ trợ không được phân biệt đối xử với nạn nhân về giới tính, tôn giáo, khuyết tật, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm cá nhân khác. Tất cả các thông tin liên quan đến danh tính, thông tin cá nhân, nhận dạng, đặc điểm của nạn nhân cũng cần được bảo mật. Các dữ liệu liên quan đến nạn nhân cần phải mã hóa, cân nhắc không tiết lộ thông tin với những người không liên quan. Khi đặt câu hỏi cần phải phù hợp với vấn đề, với tình trạng nhận thức, tình cảm của nạn nhân. Sử dụng câu hỏi mở, khái quát tới chi tiết, nạn nhân có quyền quyết định trả lời hoặc không. Đặc biệt, vì tâm lý nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều, do đó người hỗ trợ cần cẩn trọng các câu hỏi có thể kích hoạt sang chấn, thể thiện sự quan tâm về những gì đã xảy ra với nạn nhân trong câu hỏi, tránh câu hỏi dẫn dắt (mớm cung)…
Lớp tập huấn này nhằm chia sẻ về tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức, hiểu biết về sang chấn cho Đội công tác xã hội tình nguyện các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Từ đó, giúp Đội công tác nhận diện, đánh giá được những vấn đề xảy ra và có phương án hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, việc trang bị, cung cấp kiến thức, hiểu biết về sang chấn cho cộng đồng giúp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và tăng cường can thiệp dựa vào cộng đồng đối với những người yếu thế.
T.H - T.Q
- Giải Bi sắt vô địch đồng đội quốc gia năm 2025: Bạc Liêu đoạt Huy chương Đồng nội dung đồng đội kỹ thuật nam
- Xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Hợp tác xã Hồng Phát
- Đẩy mạnh bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các đơn vị xã mới thuộc huyện Hòa Bình
- Tọa đàm “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”