Đời sống - Xã hội
Sức sống mới ở những vùng căn cứ
Đã qua rồi những năm tháng bom gầm, pháo dội, trên những vùng đất căn cứ xưa, màu xanh của ruộng lúa, vườn cây đã phủ lấp những hố bom, bãi chiến. Về lại những vùng căn cứ hôm nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi mới, sự hồi sinh diệu kỳ và cả ý chí vươn lên của người dân nơi này.
Các cựu chiến binh tham gia quét dọn xung quanh Khu căn cứ Trà Hất (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi).
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) viết tiếp những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng quê hương, từng bước biến vùng đất hoang hóa sau chiến tranh thành làng quê khởi sắc.
Trong trí nhớ của người dân nơi đây, sau khi hòa bình lập lại, Ninh Thạnh Lợi là vùng nông thôn với nhiều cái “không”: không đường, không điện, không trường, không trạm y tế. Để có nước sinh hoạt, mọi người phải hứng nước mưa để uống, lắng nước ao bằng phèn chua để sử dụng. Đất ruộng thì do bỏ hoang nhiều năm nên cây năn, lau sậy xâm lấn, mọc um tùm. Vượt qua tất cả, người dân Ninh Thạnh Lợi không ngại khó, ngại khổ từng bước chinh phục thiên nhiên, xây dựng xóm ấp ngày càng đi lên.
Ông Phạm Thanh Tùng (ấp Xẻo Gừa, xã Ninh Thạnh Lợi) cho biết: “Trước đây, mỗi khi bước ra đường toàn lộ đất, muốn lên huyện, lên xã phải di chuyển bằng xuồng. Giờ đường làng, ngõ xóm lộ bê-tông thẳng tắp, ánh điện sáng choang, nước sạch tới sân, các em nhỏ thì ngày 2 buổi đến trường trên những con lộ mới. Tất cả những thứ ấy có được là nhờ vào sự quyết tâm, đồng lòng của người dân và cả sự quan tâm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở”.
Có thể nói, vùng đất Ninh Thạnh Lợi chỉ thật sự trở mình, vươn lên là nhờ chủ trương chuyển đổi vùng chuyên canh lúa kém hiệu quả sang mô hình luân canh tôm - lúa. Từ mô hình “thuận thiên” này đã giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Có tiềm lực kinh tế, người dân đồng lòng, chung sức cùng với các cấp chính quyền địa phương ra sức xây dựng nông thôn mới (NTM).
Mô hình luân canh tôm - lúa góp phần mang lại sức sống mới cho vùng đất Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân). Ảnh: C.L
“Thay áo mới”
Tạm chia tay xã Ninh Thạnh Lợi - nơi người dân vẫn đang hằng giờ, hằng ngày ra sức thi đua xây dựng quê hương, xóa dần những vết tích chiến tranh bằng màu xanh của sự hy vọng, chúng tôi tìm về với xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), đến với Khu căn cứ Trà Hất để nghe các cô, các chú - những người đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình ra sức đấu tranh, trực tiếp cầm súng chiến đấu với địch để giành lấy từng tấc đất quê hương.
Lật mở từng trang lịch sử truyền thống cách mạng nơi đây mới thấy hết sự kiên cường, anh dũng trong đấu tranh của thế hệ cha anh, góp phần làm nên độc lập. Sau ngày giải phóng, cũng chính trên mảnh đất Trà Hất này, Đảng bộ, chính quyền xã Châu Thới nói chung và Nhân dân ấp Trà Hất nói riêng cùng nhau vượt qua khó khăn, ra sức tái thiết quê hương. Đảng bộ xã đã lãnh đạo người dân trong ấp “nhường cơm, sẻ áo” trong gian khó, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào các mô hình sản xuất mới, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp công, góp của xây dựng các công trình dân sinh theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Sau bao năm tháng từ một vùng đất đồng hoang, nước phèn, sản xuất lúa một vụ với năng suất thấp, kênh, mương bị lấp cạn, nhà cửa, ruộng vườn tan hoang, nước sạch không có, đâu đâu cũng hằn dấu tích bom đạn hiểm nguy, nay ấp Trà Hất đã trở thành vùng nông nghiệp phát triển, đời sống người dân được cải thiện toàn diện. Trường học, trạm y tế, hệ thống đường giao thông, điện, nước... được đầu tư theo chuẩn NTM, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Ông Đỗ Hữu Thành (80 tuổi đời, 43 tuổi Đảng) tự hào kể: “Là vùng căn cứ, lại nằm cách không xa trung tâm tỉnh lỵ khi đó nên Trà Hất nhiều lần bị địch pháo kích, dội bom ác liệt. Khi hòa bình được lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và chính quyền xã, nhất là từ khi có phong trào xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã từng bước phát triển, điện, đường, trường, trạm... đều có đủ hết, nhờ đó bà con tập trung phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá giàu. Với sự đoàn kết, đồng lòng, năm 2016, ấp Trà Hất đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM”.
Tuy cây lúa là chủ lực, nhưng bà con trong ấp đã năng động thực hiện kết hợp nhiều mô hình kinh tế khác như: nuôi lươn, cá lóc, ếch, gà, trồng màu... nên dù chỉ có 321 hộ, song Trà Hất có đến 100 hộ khá và 44 hộ dân được tuyên dương Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, huyện và xã.
Thời gian qua, xã được “tiếp sức” từ Trung ương, tỉnh, huyện cùng sự nhạy bén của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhiều chính sách dành cho sản xuất, trong đó, có hỗ trợ vốn cho người dân; đầu tư kết cấu hạ tầng đã thay đổi diện mạo một vùng đất anh hùng. Hiện nay, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng mới. Mạng lưới điện phủ kín địa bàn. Tiếp nối truyền thống anh hùng, dưới sự chỉ lối soi đường của Đảng, bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn và sự đồng thuận của Nhân dân, những vùng đất anh hùng đang vững bước trên con đường thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Chí Linh
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam