Rong ruổi nghề bán muối dạo

Thứ Sáu, 28/02/2025 | 15:58

Đi khi tối đất, về khi tối trời, nghề bán muối dạo xưa nay vẫn thế. Những đồng tiền kiếm được từ nghề bán muối dạo thấm đẫm mồ hôi, mặn chát của sự vất vả, khó nhọc. Song với nhiều người, dù nghề bán muối dạo có nhọc nhằn, khó khăn thì họ vẫn một lòng bám trụ với nghề đã chọn.

Ông Lâm Văn Vệ đẩy xe muối bán tại chợ Phường 1 (TP. Bạc Liêu).

“Ai mua muối không…”!

Dù trời nắng hay mưa, lạnh lẽo hay nóng bức, đã gần 30 năm nay, mỗi ngày ông Lâm Văn Vệ (ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông) đều đẩy xe muối đi bán dạo ở nội ô TP. Bạc Liêu. Nhà xa nên ông phải gửi xe muối ở nhà người quen trong thành phố, cứ tầm 5 giờ sáng là ông đẩy xe đến bán tại chợ Phường 1, khi chợ thưa khách thì ông Vệ tiếp tục đẩy xe muối rong ruổi đến các con hẻm, khu dân cư. Tiếng rao “Ai mua muối không” của ông đã trở thành âm thanh quen thuộc với nhiều người. Lưng áo của người đàn ông này luôn thấm đẫm bao nỗi nhọc nhằn, vất vả. Cực nhất là vào mùa mưa, nếu không gặp được chỗ trú tốt thì bao nhiêu áo mưa mang theo đều phải được tận dụng để che muối, còn người thì chịu ướt.

Ngoài khách lẻ, ông Vệ còn có đầu mối mua muối định kỳ với số lượng lớn từ 5 - 10kg/lần. Bình quân mỗi ngày, ông bán được khoảng 80 - 200kg muối, lãi khoảng 100.000 - 250.000 đồng. Có lần, trên đường bán muối, ông bị tai nạn giao thông nên sức khỏe giảm sút. “Bán muối dạo là nghề cực nhọc, vất vả, nhưng là nghề mưu sinh chính đáng. Nhờ nghề này mà các con tôi có thể học hành đàng hoàng, gia đình cũng không đến nỗi túng quẫn nên tôi rất trân trọng nghề mình đã chọn. Giờ tôi đã lớn tuổi, sức khỏe không còn được như xưa, nhưng tôi vẫn cố gắng bám trụ với nghề cho đến khi nào không đi nổi nữa mới thôi”, ông Vệ chia sẻ.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyền với góc ngồi quen thuộc ở chợ Phường 3 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: M.L

Gắn bó với công việc

Năm nay 67 tuổi, nhưng bà Nguyễn Ngọc Tuyền (Phường 2, TP. Bạc Liêu) đã có 60 năm theo nghề bán muối. Ngay khi còn nhỏ đã theo mẹ rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm để bán muối dạo, nên khi lập gia đình, bà Tuyền cũng chọn việc bán muối là nghề để mưu sinh. Bà Tuyền không gánh muối bán như mẹ mà chất sau xe đạp, hàng ngày đạp xe rảo quanh các con đường để bán dạo. Sau nhiều lần sinh con, sức khỏe không còn như trước nên bà tìm một chỗ cố định tại góc chợ Phường 3 để bán và gắn bó cho đến hôm nay. Bình quân mỗi ngày, bà bán được khoảng  60 - 100kg muối. Từ nghề bán muối đã giúp bà Tuyền nuôi dạy 3 người con lớn khôn. “Đã quen với công việc từ khi còn nhỏ nên hôm nào gia đình có việc phải nghỉ bán vài ngày là tôi cảm thấy buồn, nhớ quay quắt những thúng muối trắng. Vì vậy còn sức khỏe là tôi lại ra chợ đến góc ngồi quen thuộc bày muối ra bán. Đến trưa thì về, kiếm được đồng nào hay đồng nấy, có tiền dành dụm, hậu bị nuôi thân khi về già con cái đỡ vất vả”, bà Tuyền trải lòng.

Theo những người trong nghề, trung bình mỗi ngày người bán muối dạo phải vượt hàng chục đến hàng trăm ki-lô-mét cả đi lẫn về. Ngày trước phương tiện chuyên chở là những chiếc xe đẩy, xe đạp cà tàng, họ phải còng lưng đẩy muối, phải rao khản cả cổ. Khi các hộ làm nghề mua được xe máy, sắm được loa phóng thanh cầm tay có ghi âm để rao “Ai mua muối không” thì hành trình bán muối đỡ vất vả hơn. Tuy vậy, hiện nay, trước sự phong phú các loại muối trên thị trường, nhiều gia đình chuyển sang sử dụng bột canh, hạt nêm để nấu ăn, những hạt muối tinh cũng được các doanh nghiệp thu mua muối đóng gói, bán sẵn ở khắp các hệ thống bán lẻ hiện đại, quán hàng, tạp hóa đã làm cho nghề bán muối dạo ít khách hàng hơn. Vì vậy số người bán muối dạo cũng thưa dần, chỉ còn số ít bám trụ với nghề.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.