Đời sống - Xã hội
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Cần nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện phân loại rác
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Bên cạnh đó, nhờ sự phối hợp giữa các cấp, các ngành ngày càng chặt chẽ, đồng bộ đã tạo chuyển biến tích cực và bước đầu xây dựng nên những mô hình hay trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).
Sở TN-MT tặng thùng rác 3 ngăn cho các hộ dân trên địa bàn TP. Bạc Liêu thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn. Ảnh: K.T
TỶ LỆ THU GOM CHỈ ĐẠT HƠN 89%
Theo số liệu thống kê năm 2023 từ các các huyện, thị xã và thành phố thì tổng lượng CTRSH phát sinh hơn 417 tấn/ngày. Trong đó, tổng khối lượng CTRSH trên địa bàn tỉnh được thu gom hơn 375 tấn/ngày và tỷ lệ thu gom đạt khoảng 89,86%.
Đối với các đô thị, việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH được thực hiện thông qua hợp đồng do Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh và Trung tâm Dịch vụ đô thị các huyện, thị xã thực hiện. Phương thức thu gom bằng xe đẩy tay từ các hẻm ra các đường lớn và vận chuyển lên các xe ép rác, xe tải chuyển đến các bãi rác xử lý. Chi phí thu gom mỗi hộ gia đình 20.000 đồng/tháng; còn các đơn vị khác thì tùy theo lượng rác và loại hình mà có định mức thu riêng.
Nhìn chung, các phương tiện thu gom vận chuyển rác cơ bản không để rơi vãi, rò rỉ do được trang bị các xe ép rác. Tuy nhiên, vẫn còn một số phương tiện thu gom bằng xe tải, xe ba gác... nên đôi lúc chưa đảm bảo về vệ sinh môi trường.
Đối với khu vực nông thôn, đến nay đã có 34% xã, thị trấn có thành lập các hợp tác xã, tổ dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải. Phần lớn chất thải được thu gom, vận chuyển về bãi rác tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để xử lý. Đối với khu vực chưa có tuyến thu gom, UBND cấp xã đã tuyên truyền, vận động người dân xử lý rác thải tại hộ gia đình đảm bảo theo quy định.
Để hỗ trợ UBND cấp xã trong công tác xử lý CTRSH khu vực nông thôn, từ năm 2019 đến nay, Sở TN-MT đã hỗ trợ hơn 6.240 thùng ủ rác hữu cơ thành phân compost đến các hộ dân khu vực nông thôn - nơi chưa có tuyến thu gom rác. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý CTRSH. Đặc biệt là nhiều địa phương, tổ chức đoàn thể đã xây dựng nên những mô hình hay trong quản lý rác thải, nhất là rác thải nhựa.
Về công tác xử lý CTRSH, toàn tỉnh Bạc Liêu có 8 bãi rác tập trung đã được xây dựng để xử lý chất thải rắn (hiện có 3 bãi rác tập trung đã ngừng hoạt động). Trong tất cả các bãi rác tập trung đang hoạt động thì chỉ có bãi rác huyện Hồng Dân có xử lý bằng phương pháp ủ phân compost, nhưng lượng chất thải rắn được xử lý cũng chỉ chiếm một khối lượng nhỏ trên tổng lượng phát sinh. Các bãi rác tập trung còn lại thực hiện việc xử lý chất thải rắn bằng cách đốt và chôn lấp thông qua sự đầu tư lò đốt của Sở TN-MT.
Có một điều đáng quan tâm là phần lớn CTRSH trên địa bàn tỉnh chưa được tiến hành phân loại tại nguồn và tất cả các loại CTRSH được thu gom đều chuyển đến bãi chôn lấp để xử lý (chôn lấp và đốt). CTRSH được thu gom chủ yếu từ các xã, phường, thị trấn, chợ, trường học, khu vực công cộng, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và các hộ dân nằm dọc hai bên đường giao thông thị trấn, huyện, trung tâm xã. Riêng đối với CTRSH khu vực nông thôn không có phương tiện đến thu gom được thì hộ gia đình sẽ tự thu gom xử lý chủ yếu bằng biện pháp đốt, chôn lấp. Hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải rắn chưa được tổ chức mà diễn ra hoàn toàn tự phát tại bãi chôn lấp do đội ngũ thu nhặt phế liệu.
Ngoài ra, đối với các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh cũng đã khuyến khích, vận động người dân thu gom chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, từng bước thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và hạn chế sản phẩm nhựa, túi nylon khó phân hủy… Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.
TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ
Để góp phần quản lý tốt chất thải rắn, cùng với việc thực hiện Quyết định 13 của UBND tỉnh quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, Sở TN-MT đang thực hiện Đề án Quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá lại hiện trạng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh mà trọng tâm là công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tiến tới lộ trình phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, Sở TN-TM đã phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn tại một số xã trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, đã hỗ trợ hàng trăm cái thùng phân loại rác tại nguồn 3 ngăn cho các hộ dân gồm: 140 cái cho các hộ dân sinh sống tại đường Hòa Bình và đường Lê Duẩn (Phường 1, TP. Bạc Liêu); 50 cái cho các hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu); 354 cái cho các hộ dân trên địa bàn xã Hưng Phú và Vĩnh Thanh (huyện Phước Long); hỗ trợ 57 cái cho các hộ dân trên địa bàn xã Lộc Ninh, xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân)…
Tuy nhiên, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn hiện nay trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, theo quy định tại khoản 7, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chậm nhất ngày 31/12/2024, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại và quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân. Song, hiện Bộ TN-MT vẫn chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đơn giá về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định tại khoản 5, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường nên chưa có cơ sở để Sở tham mưu cho tỉnh ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.
Riêng đối với phân loại CTRSH thì Bộ TN-MT có ban hành Công văn 9368 hướng dẫn kỹ thuật. Tuy nhiên, văn bản này cũng chưa hướng dẫn việc phân loại CTRSH đối với các tỉnh hiện chưa hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thì thực hiện như thế nào nên tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện…
ThS. Trịnh Khánh Ngọc
* Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đạt 90%
Để góp phần quản lý và xử lý có hiệu quả CTRSH, Sở TN-MT tỉnh kiến nghị Bộ TN-MT sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đơn giá về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xem xét ban hành hướng dẫn việc đóng bãi chôn lấp CTRSH (đối với các bãi chôn lấp chưa hợp vệ sinh) để Bạc Liêu thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải rắn đảm bảo theo quy định, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đạt khoảng 90% theo Nghị quyết 32 của HĐND tỉnh về Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Tiếp tục tập trung các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận tại tổ đối với nhiều dự án Luật
- Rà soát nhu cầu chuyển trường về Cà Mau của con cán bộ
- Huyện Hồng Dân: Trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2 - năm 2025 cho các đảng viên cao niên
- UBND TP. Bạc Liêu: Hạn chế lưu thông qua cầu treo Phường 8