Quản lý chất thải nông nghiệp: Cần nhân rộng các mô hình hiệu quả

Thứ Sáu, 25/02/2022 | 16:19

Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đi cùng với đó là việc quản lý và xử lý chất thải rắn (CTR) trong sản xuất chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.

Bao bì và chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bị vứt ngay trên đồng ruộng.

Nhiều áp lực lên môi trường

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và ngành Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật hoang dã tạo ra việc làm và nguồn thu nhập chính cho nhiều nông dân. Thế nhưng, lượng CTR từ các hoạt động này thải ra môi trường cũng không nhỏ. Cụ thể, theo báo cáo tổng hợp nhiệm vụ “Ðiều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất mô hình quản lý CTR nông thôn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”, tổng khối lượng CTR từ hoạt động chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 3.980 tấn/ngày.

Các loại CTR từ quá trình chăn nuôi bao gồm: phân, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm, chất thải lò mổ... Ðối với CTR phát sinh từ các trang trại trên địa bàn tỉnh hầu hết được thu gom, xử lý bằng cách hình thức như: xây hầm biogas; ép sản xuất phân sinh học, làm thức ăn cho cá… Riêng đối với CTR phát sinh từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì phần lớn thải trực tiếp ra môi trường nước, đất, từ đó bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân sống lân cận. Điều đáng quan tâm là các CTR thải ra môi trường có chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh, khi xâm nhập vào nguồn nước sẽ tạo ra nguy cơ phát sinh dịch bệnh lan tràn.

Bên cạnh đó, lượng CTR từ trồng trọt thải ra môi trường cũng là con số không nhỏ. Năm 2021, diện tích gieo trồng lúa của tỉnh thực hiện trên 191.000ha và sau mỗi mùa vụ, nông dân thải ra môi trường hàng triệu tấn rơm rạ. Song, việc tái sử dụng lại lượng rơm rạ này không nhiều, chủ yếu được xử lý bằng hình thức đốt đồng, trong khi nông dân có thể ủ rơm rạ để làm phân bón trồng hoa màu và làm nấm rơm.

Ngoài ra, các chất thải nguy hại từ sản xuất lúa cũng tạo ra nhiều áp lực lên môi trường. Đó là trường hợp các bao bì, chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng bị vứt trực tiếp xuống các kênh thủy lợi, đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí, làm nguy hại đến sức khỏe con người.

Hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã thải ra môi trường một khối lượng lớn chất thải. Ảnh: K.T

Nâng cao ý thức, trách nhiệm

Từ thực trạng sản xuất nông nghiệp và phát sinh CTR trong sản xuất cho thấy, môi trường sản xuất và môi trường sống đang chịu nhiều áp lực. Đồng thời, những bất cập này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của tỉnh. Do vậy, các ngành, địa phương mà trực tiếp là các cấp ủy đảng cơ sở cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền và nâng cao ý thức cho cả cộng đồng về trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, bảo vệ môi trường. Trong sản xuất, phải tuân thủ các khuyến cáo, áp dụng các quy trình và các mô hình mà ngành quản lý đã tổ chức tập huấn, chuyển giao.

Thời gian qua, ngành TN-MT đã tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn… tổ chức các buổi tập huấn, triển khai áp dụng rộng rãi mô hình ủ rác hữu cơ làm phân bằng thùng compost cho các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; chuyển giao kỹ thuật cho hàng ngàn hộ nông dân.

Cùng với đó, ngành TN-MT đã tăng cường đầu tư và vận động các doanh nghiệp xây dựng các bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và định kỳ tiến hành thu gom, xử lý theo quy định. Mô hình này được triển khai ở một số xã thuộc 4 huyện có diện tích sản xuất lúa lớn của tỉnh như: xã Vĩnh Thanh, Vĩnh Phú Ðông (huyện Phước Long); Châu Thới, Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi); Ninh Quới, Ninh Quới A (huyện Hồng Dân); xã Vĩnh Bình, Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình) và bước đầu đã mang lại kết quả rất phấn khởi. Qua đó, góp phần quan trọng vào tiêu chí quản lý, bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng thì các ngành, địa phương cũng khuyến khích nông dân tái sử dụng, tái chế CTR từ sản xuất nông nghiệp và xem chất thải là “tài nguyên”. Đây phải được coi là một trong những giải pháp quan trọng và cấp bách, nhằm giảm thiểu ô nhiễm do CTR gây ra. Việc tái sử dụng chất thải rắn đã được một số ngành, địa phương tổ chức xây dựng rất hay như: Câu lạc bộ thu mua rác thải nhựa, Câu lạc bộ thu mua bọc nylon, ủ rơm trồng nấm và sản xuất củi trấu làm chất đốt; sử dụng chất thải trong chăn nuôi như: phân heo, gà, trâu, bò… để sản xuất khí sinh học (biogas); ủ phân bón vi sinh và nuôi trùn quế.

Những mô hình hiệu quả và cách làm hay trong quản lý và xử lý CTR rất cần được nhân rộng trong dân; đồng thời, công tác bảo vệ môi trường cũng nên được xem là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Cùng với phát triển chăn nuôi thì hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng tạo ra một khối lượng lớn CRT từ tổng diện tích nuôi trồng năm 2021 trên 142.140ha. Đặc biệt, các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh thải ra môi trường một khối lượng chất thải và nước thải lớn. Đó là lượng bùn đáy ao trong xử lý ao đầm, bao bì thức ăn, thùng chứa hóa chất, chai lọ hóa chất, chế phẩm sinh học…

Hiện nay, phần lớn các loại bao bì, thùng chứa, chai lọ hóa chất, chế phẩm sinh học phát sinh trong quá trình nuôi tôm, cua, cá… thường được các hộ dân thu gom và xử lý bằng cách đốt, tái sử dụng, hoặc thải bỏ trực tiếp ra kênh, rạch xung quanh. Một số hộ đã thực hiện biện pháp thu gom, lưu trữ và được xử lý bởi các đơn vị có chức năng theo đúng quy định.

Riêng bùn thải thì một số hộ gia đình tận dụng để san ủi, đắp bờ ao, bón cây trồng…, hoặc xây hầm biogas tạo khí gas phục vụ sinh hoạt; các hộ còn lại bơm thải trực tiếp vào kênh, mương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Trần Thanh (bài viết có sử dụng tài liệu của Sở TN-MT)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.