Đời sống - Xã hội
“Quả ngọt” từ chương trình giảm nghèo
Trong bối cảnh phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức bởi thiên tai, dịch bệnh, lạm phát cao…, song công tác giảm nghèo nửa nhiệm kỳ qua của tỉnh vẫn đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Điều đó thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự linh hoạt, sáng tạo của từng đơn vị, địa phương và cả sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo.
Các sở, ngành hỗ trợ vốn cho hộ nghèo địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: M.L
MỌI CHỦ TRƯƠNG ĐỀU HƯỚNG ĐẾN GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 và các hướng dẫn của Bộ, ngành liên quan, Bạc Liêu tổ chức tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025. Kết quả, toàn tỉnh hiện có 11.497 hộ nghèo, chiếm 5,09%; 14.755 hộ cận nghèo, chiếm 6,54% tổng số hộ dân trong tỉnh.
Nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, Bạc Liêu quyết liệt thực hiện công tác giảm nghèo và đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Trong từng giai đoạn, tỉnh đã tổ chức triển khai, quán triệt tới các cấp, các ngành trên địa bàn các nghị quyết, quyết định về thực hiện chương trình này. Đồng thời, trên cơ sở thực tiễn và nguồn lực của địa phương, tỉnh cũng đã ban hành kịp thời các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Bên cạnh những chính sách của Trung ương, tỉnh còn có những chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Các sở, ngành, địa phương cũng chủ động cụ thể hóa Chương trình MTQG giảm nghèo thành chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình đơn vị, điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương; lồng ghép và gắn với các chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với sự chủ động từ tỉnh đến cơ sở, cùng sự góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện xã hội nên công tác giảm nghèo của tỉnh gặt hái nhiều “quả ngọt”, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được bảo đảm; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được tăng cường, khoảng cách phát triển giữa các vùng từng bước được thu hẹp. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 7.233 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm trên 3%), vượt chỉ tiêu đề ra (1,9%/1,5%) và 12.055 hộ cận nghèo (chiếm trên 5%). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 đã hỗ trợ 200 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện cho 7.420 lượt hộ và học sinh, sinh viên, người lao động vay các nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, từ đó giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động có vốn làm ăn, tự tạo việc làm và dự kiến thoát nghèo vào cuối năm 2023… Năm 2023, tỉnh quyết tâm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo (tương đương 2.270 hộ); giảm 1% tỷ lệ hộ cận nghèo.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN
So với trước đây, đầu tư cho giảm nghèo giai đoạn 2022 - 2025 có những thay đổi về tư duy trong chiến lược và cách thực hiện. Do đó, đòi hỏi tỉnh cũng như mỗi địa phương, đơn vị trong tỉnh phải có quyết tâm mới, tầm nhìn xa hơn để có thể hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Trên nền tảng kết quả đạt được, nửa nhiệm kỳ còn lại, tỉnh xác định tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo thế mạnh của mỗi địa phương, ưu tiên phát triển các mô hình tại chỗ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, hộ nghèo. Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vận dụng tối ưu các nguồn lực sẵn có, đẩy mạnh phát triển các công trình có sự hỗ trợ của người dân theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Hoàn thiện cơ sở thiết chế văn hóa - thông tin để người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo dễ dàng tiếp cận các chính sách mới của Đảng và Nhà nước ban hành; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân; nâng cao chất lượng nguồn lực và giải quyết việc làm, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản trong công tác giảm nghèo.
Từ các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trên, tin rằng giai đoạn nửa nhiệm kỳ còn lại, tỉnh sẽ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đạt và vượt kế hoạch đề ra.
MINH LUÂN
- Kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Khuyến học Võ Văn Kiệt tỉnh Bạc Liêu
- Nghị quyết 68: Vận hội mới cho kinh tế tư nhân bứt phá
- Những bài học “soi lối” cho báo chí cách mạng phát triển đúng hướng
- Bế mạc Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Luật BHXH 2024: Người từ 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí