Phun thuốc diệt lục bình: Những mối nguy không thể xem thường

Thứ Sáu, 13/03/2020 | 17:57

Hiện nay, nguồn nước ở các tuyến kênh, rạch xuống khá thấp, trong khi lục bình thì lại phát triển dày đặc khiến cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường sông của người dân gặp khá nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, nhiều nơi người dân đã sử dụng thuốc diệt cỏ (thuốc khai hoang) để diệt lục bình, khơi thông dòng chảy.

Lục bình trên tuyến kênh Cầu Sập - Ninh Quới đang chết dần sau khi bị phun thuốc khai hoang. Ảnh:  C.L

Lục bình hay còn được biết đến với những tên gọi khác như: bèo tây, bèo Nhật Bản… là một loài thủy sinh có tốc độ sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Trong môi trường tự nhiên, lục bình còn có tác dụng khử trừ ô nhiễm môi trường do có khả năng hấp thụ những kim loại nặng như chì, thủy ngân. Tuy nhiên, chính do sự phát triển nhanh chóng đã khiến lục bình mang đến nhiều phiền toái cho nông dân. Anh Nguyễn Minh Phú (xã Hưng Phú, huyện Phước Long) chia sẻ: “Lục bình mọc um tùm, dày đặc, kín cả khúc sông làm cho ghe xuồng không thể lưu thông được. Hôm trước, lúa nhà tới kỳ bón phân mà không thể chở được bằng xuồng, tôi phải dùng xe chở từng bao, rất mất thời gian và công sức”. Không chỉ vậy, nhiều nơi thương lái còn lấy cớ việc di chuyển ra vào khó khăn do kênh cạn nước và lục bình dày đặc để ép giá lúa của bà con có đất canh tác nằm sâu trong nội đồng.

Với những hộ dân quanh năm sống bằng nghề buôn bán nhỏ trên sông như vợ chồng ông Trần Văn Mười (huyện Vĩnh Lợi) thì càng khổ sở hơn. Ông Mười cho biết: “Nhà ít đất canh tác nên tôi và vợ chọn nghề mua bán nhỏ trên sông để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Ngày nào cũng phải ì ạch qua đám lục bình nên chi phí xăng dầu tăng gấp đôi so với trước đây”.

Trước tình trạng lục bình phát triển vượt tầm kiểm soát, ở một số địa phương trong tỉnh, bà con nông dân và các thương lái đã sử dụng thuốc diệt cỏ phun xịt (thường được gọi là thuốc khai hoang) để tận diệt lục bình, giải tỏa mặt sông. Việc làm này được cho là ít tốn kém, hiệu quả nhanh, nhưng đồng thời lại mang đến nhiều nguy hại cho cả môi trường và sức khỏe con người. Theo nhiều người dân cho biết, sau khi phun khoảng 5 ngày, lục bình sẽ khô héo, nước đen và hôi thối. Sau đó phải xịt thêm một lần nữa lục bình mới thối rữa và chết hẳn. Trong điều kiện nguồn nước sông xuống thấp như hiện nay, một khi phun thuốc khai hoang diệt lục bình cũng sẽ khiến cho nhiều loại cá đồng bị tận diệt theo. Ngoài ra, hành động này lại mang đến một mối nguy hại khác còn lớn hơn, đó là ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại môi trường và có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân.

Thiết nghĩ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có giải pháp xử lý tình trạng lục bình dày đặc ở các tuyến sông, giúp khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện cho các phương tiện đường thủy đi lại dễ dàng, đồng thời hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực từ việc người dân tự ý diệt lục bình bằng thuốc diệt cỏ.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.