Phum sóc không ngừng đổi mới

Thứ Sáu, 14/04/2023 | 15:11

Những căn nhà ngói đỏ khang trang, những con đường làng trải nhựa hoặc bê-tông thẳng tắp giúp bà con đi lại dễ dàng cả hai mùa mưa nắng; những công trình dân sinh như: điện, trường, trạm không ngừng được đầu tư, xây mới…, là những nét phác họa trên bức tranh phum sóc của đồng bào Khmer Bạc Liêu hôm nay.

Chùa Ghositaram - một trong những ngôi chùa Khmer có kiến trúc đẹp nằm trên địa bàn xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi).

Lấy kinh tế làm động lực phát triển

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo vùng có đông đồng bào Khmer, từ các chương trình dự án, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn: xây cầu, làm đường, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng đầu tư, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nước tưới cho cây trồng, đem lại những vụ mùa bội thu.

Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu thì các địa phương nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất bằng cách tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi, đổi mới cây trồng - vật nuôi, phát triển mô hình kinh tế nông hộ bền vững… Từ đó người dân có điều kiện, động lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Danh Mỹ (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Từ khi tiếp cận được các nguồn vốn vay, được hướng dẫn cách làm ăn bài bản và hơn hết là biết tính toán làm ăn thì đời sống của bà con quê mình cũng không ngừng phát triển. Khi kinh tế ổn định, bà con lại quan tâm hơn đến các hoạt động xã hội, mang tính cộng đồng, từ đó góp phần cùng với các cấp chính quyền địa phương hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp”.

Cùng với đó, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ trực tiếp, hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, trình độ sản xuất được nâng lên rõ rệt, giúp người dân dần thay đổi thói quen về canh tác, trồng trọt, chăn nuôi.

Hội thi làm bánh gừng, bánh ớt mừng tết Chôl-chnăm-thmây năm 2023 của bà con Khmer huyện Hòa Bình. Ảnh: C.L

Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa

Song song với phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân cũng được quan tâm cải thiện.

Để bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa như: nghệ thuật truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội…, thời gian qua các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh đó, đời sống ngày càng được nâng cao cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer tiếp xúc với sản phẩm văn hóa mới. Hơn hết, sự quan tâm chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer của Đảng và Nhà nước không chỉ tác động tích cực đến chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn góp phần làm chuyển biến đời sống của đồng bào trên tất cả các lĩnh vực.

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Khmer, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là nơi tổ chức dạy chữ Khmer, tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất. Đặc biệt, đó cũng là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo của đồng bào Khmer, có thể tìm thấy những đội kèn, trống, nhạc ngũ âm, đội ghe Ngo… ở hầu hết các ngôi chùa.

Trong dòng chảy hội nhập và phát triển hiện nay, những di sản văn hóa của đồng bào Khmer ngày càng có sự giao thoa, do đó, việc bảo tồn bản sắc văn hóa vốn đã như một chỉnh thể cũng ngày càng quan trọng hơn. “Trong giai đoạn hiện nay, muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer thì cần tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ lưu giữ. Đây là công việc phải thực hiện thường xuyên và lâu dài thông qua việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. Bên cạnh đó, cũng cần xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao… trong vùng có đông đồng bào dân tộc nhằm thu hút người dân tham gia, để từ đó nâng cao ý thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống”, ông Danh Cáo - Trưởng phòng Dân tộc huyện Hồng Dân, cho biết.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.