Nỗ lực giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững

Thứ Tư, 30/08/2023 | 16:25

Thời gian qua, với việc tập trung đầu tư nhiều dự án kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó có mô hình hỗ trợ sản xuất cho hộ Khmer nghèo, cận nghèo, Bạc Liêu đã từng bước phát huy hiệu quả, giúp người dân cải thiện thu nhập, ổn định đời sống, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo...

Nông dân Khmer xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) phát triển mô hình trồng màu. Ảnh: C.L

Theo thống kê, Bạc Liêu hiện có hơn 66.000 người Khmer, chiếm 7,6% số dân toàn tỉnh. Với phương châm “trao cần câu hơn trao xâu cá”, các địa phương đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế để mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào Khmer. Điển hình như mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình luân canh tôm - lúa; trồng màu, cây ăn trái, hỗ trợ vốn phát triển các mô hình chăn nuôi heo, bò, gà, vịt… đã giúp nhiều hộ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ông Thạch Sà Rây (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Nhờ được Nhà nước đầu tư hạ thế lưới điện, xây dựng cầu, đường, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn để cải tạo đất, mua hạt giống… mà những năm qua sản xuất của người dân trong ấp phát triển rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần cũng từ đó được nâng lên hơn trước rất nhiều”.

Cùng với việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền các địa phương còn hỗ trợ phát triển các nghề truyền thống (như đan đát, đắp họa tiết, hoa văn ở công trình chùa, miếu…) để tạo việc làm cho đồng bào Khmer. Các nghề truyền thống này đã giải quyết việc làm đáng kể cho một bộ phận lao động nông thôn, với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, để giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững, các địa phương cũng vận động, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Từ đó, giúp bà con từng bước tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới phương thức sản xuất, mang lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình. Có thể kể đến một số HTX có đông đồng bào Khmer tham gia như: HTX Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình); HTX Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình); HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Phong (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long).

Cùng với đó, chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho đồng bào Khmer cũng được đánh giá cao. Theo ông Lý Tỷ - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp Biển Đông A (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp các tổ viên của ấp đầu tư trồng màu, nuôi bò hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống gia đình. Trong đó, các thành viên của Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Biển Đông A đã vươn lên khá, không còn hộ nghèo.

Có thể nói, trong thời gian qua, những chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, qua đó đã góp phần giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng đang được đổi thay từng ngày. “Nhờ làm tốt công tác chính sách dân tộc mà những năm qua, đời sống kinh tế, văn hóa, bộ mặt xóm, ấp nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đã có sự chuyển biến rõ rệt. Từ khi kinh tế dần ổn định, bà con cũng tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương phát động, qua đó, cùng với chính quyền địa phương các cấp từng bước hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Hùng Lũy - Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo TX. Giá Rai, cho biết.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.