Đời sống - Xã hội
Những tổ trưởng tận tâm, tận tụy
Những năm qua, từ nguồn vốn các chương trình tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) được triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, đã góp phần quan trọng giúp các hộ dân trên địa bàn tỉnh vươn lên phát triển kinh tế. Để có được kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) - những người gần dân nhất, cũng là những “cánh tay nối dài” luôn sát cánh cùng hộ nghèo, cận nghèo trong quá trình sử dụng vốn vay hiệu quả.
“Điểm tựa” của nhiều hộ dân
Là Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Vĩnh An (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), suốt 15 năm qua, bà Trịnh Thị Hồi đã không quản ngại khó khăn, tận tình với công việc, là “điểm tựa” giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Bà Hồi thường xuyên nghiên cứu và nắm chắc các quy trình nghiệp vụ của Ngân hàng CSXH, đảm bảo bình xét cho vay đúng quy trình, đúng đối tượng, thường xuyên theo dõi và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời, luôn động viên tổ viên thực hiện đóng lãi, đóng tiết kiệm đầy đủ, đến gốc phải trả nợ đúng hạn và sử dụng đồng vốn thì phải đúng mục đích.
Năm 2019, xét thấy anh Phạm Văn Hấu (ấp Vĩnh An) chăm chỉ lao động nên bà Hồi đã hỗ trợ gia đình tiếp cận nguồn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH với số tiền 30 triệu đồng. Công việc làm ăn ngày càng trôi chảy, anh Hấu phải thuê thêm 2 lao động cùng làm. Do thực hiện trả vốn, đóng lãi đúng quy định nên đầu năm 2023, anh Hấu tiếp tục được xét nâng mức vay lên 50 triệu đồng, mở rộng quy mô cơ sở. Anh Hấu chia sẻ: “Nhờ đồng vốn vay của Ngân hàng CSXH giúp tôi có điều kiện mở cơ sở, phát triển việc kinh doanh. Trung bình mỗi tháng, trừ hết chi phí thì thu nhập còn hơn 10 triệu đồng, giúp cuộc sống gia đình ngày càng phát triển”. Hiện Tổ TK&VV ấp Vĩnh An gồm 56 tổ viên, tổng dư nợ hơn 1,6 tỷ đồng, dưới sự quản lý của bà Hồi, nhiều năm liền, tổ luôn được xếp loại tốt.
Hơn 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Út - Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Hành Chính (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) luôn được người dân và các tổ viên hết mực tin tưởng, yêu mến. Bà Út luôn sâu sát, nắm bắt kịp thời từng hoàn cảnh gia đình, nhu cầu vay vốn của các thành viên trong tổ. Bên cạnh đó, trong các buổi giao dịch cố định hằng tháng tại thị trấn, bà còn tham gia giao ban với Ngân hàng CSXH huyện để kịp thời nắm bắt chương trình, chính sách mới và phổ biến cho người dân, thông tin kịp thời những khó khăn, tồn tại của tổ và các hộ vay để có hướng xử lý.
Tổ TK&VV ấp Hành Chính hiện có 60 tổ viên, với tổng dư nợ gần 2,1 tỷ đồng, tổ viên tham gia gửi tiết kiệm được trên 80 triệu đồng. Các tổ viên vay vốn đều có ý thức trả lãi, trả nợ đúng thời gian quy định, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu. Đơn cử như trường hợp của chị Phan Ngọc Thắm (hộ nghèo ở ấp Hành Chính), một mình phải bươn chải nuôi cha già yếu và 3 con nhỏ. Năm 2019, chị Thắm được bà Út hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH 30 triệu đồng để đầu tư mua bán nhỏ. Thấy chị có ý thức trả nợ, trả lãi tốt nên đầu năm nay, Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Hành Chính tiếp tục hỗ trợ chị Thắm vay 50 triệu đồng. Được bổ sung đồng vốn, chị Thắm mua thêm nhiều mặt hàng để bán, từ đó thu nhập cũng ổn định hơn và có điều kiện phụng dưỡng cha già, lo cho các con ăn học đàng hoàng.
Bà Trịnh Thị Hồi - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Vĩnh An (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) thăm hỏi tình hình kinh doanh của tổ viên. Ảnh: M.L
Hết lòng vì người nghèo
Hiện toàn tỉnh có trên 1.900 tổ TK&VV, đa số các tổ trưởng tổ TK&VV tại các khóm, ấp trong tỉnh đều không ngại khó khăn, tận tụy với công việc, đã và đang trực tiếp quản lý nguồn vốn vay ưu đãi một cách hiệu quả, giúp nhiều thành viên có điều kiện thực hiện mô hình sinh kế hiệu quả, tạo thu nhập ổn định, vượt qua khó khăn, giảm nỗi lo “vay nóng”, tín dụng đen.
Có thể kể đến bà Sơn Thị Hồng Sen - Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), từ sự tận tâm, sâu sát đã giúp gần 60 tổ viên có điều kiện thực hiện các mô hình kinh tế như: chăn nuôi heo, vịt, gà; trồng rẫy, lúa... Bà Sen thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn của tổ viên do mình quản lý. Những vướng mắc, khó khăn được báo cáo kịp thời cho tổ chức Hội trực tiếp quản lý và cán bộ tín dụng phụ trách xã giải quyết. Nhờ đó, các tổ viên luôn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tổ không có nợ quá hạn và lãi tồn. Đời sống các tổ viên nâng lên rõ rệt, đến nay 100% tổ viên đều tham gia gửi tiết kiệm.
Hay như bà Trần Thị Hồng Oanh - Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Giồng Nhãn (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu). Với tấm lòng nhiệt huyết, hết lòng vì người nghèo, bà Oanh luôn sâu sát nắm bắt kịp thời hoàn cảnh, nhu cầu của hội viên. Đồng thời tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nội dung các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH, đối tượng áp dụng và quy trình thực hiện vay vốn, từ đó tư vấn, hỗ trợ hơn 50 thành viên trong tổ vay vốn và sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, vươn lên khá giả.
Có thể thấy, cùng với cán bộ Ngân hàng CSXH, những tổ trưởng tổ TK&VV đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách. Nhờ có đội ngũ này mà việc cho vay, thu nợ, giám sát sử dụng vốn được thực hiện xuyên suốt, liên tục và đóng góp vào chất lượng chương trình cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Minh Luân
- Huyện Vĩnh Lợi: Hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Thu hoạch dứt điểm 17.052ha lúa đông xuân
- Huyện đoàn Vĩnh Lợi phối hợp tổ chức Hội thi Tin học trẻ năm học 2024 - 2025
- Tự hào thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác
- Khai mạc Cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ lần thứ VII - năm 2025