Những phóng viên đa năng

Thứ Hai, 19/06/2023 | 16:09

“Đa năng” có lẽ là từ khái quát nhất khi nói về những phóng viên công tác tại Đài Truyền thanh. Bằng tình yêu nghề, những phóng viên, biên tập viên ở cơ sở này đã vượt qua mọi khó khăn để đưa đến khán, thính giả trong và ngoài huyện những thông tin chân thực.

Phóng viên Quốc Quí trong một lần tác nghiệp ở cơ sở phải tranh thủ gửi thông tin về cơ quan để kịp phát trên chương trình.

Dù hiện nay Đài Truyền thanh chưa được xem là cơ quan báo chí, nhưng các phóng viên, biên tập viên đài huyện vẫn làm việc với cường độ cao, đa năng, chuyên nghiệp không thua kém gì phóng viên đài, báo tỉnh. Để có những bản tin, chương trình hấp dẫn cộng tác trên sóng phát thanh - truyền hình, các trang báo của tỉnh, các phóng viên, biên tập viên đài huyện luôn phải nhạy bén với nguồn tin từ cơ sở. Phóng viên Tùng Lâm - công tác tại Đài Truyền thanh huyện Hồng Dân, chia sẻ: “Dẫu phần lớn các đồng nghiệp chưa được đào tạo nghề báo thật sự bài bản, chuyên nghiệp, chủ yếu là tự học hỏi lẫn nhau, và tự nâng cao tay nghề qua thực tiễn. Thế nhưng từ báo nói, báo viết, báo hình đến quay phim, dựng phim, phát thanh viên…, các đồng nghiệp đài huyện đều làm hết. Nhờ đó mà sự đa năng, tính chuyên nghiệp cũng ngày càng được nâng lên”.

Với đặc thù công việc, các phóng viên Đài Truyền thanh hầu như phải thường xuyên bám sát cơ sở, bám lấy hơi thở của cuộc sống để phát hiện những thông tin tươi mới. Khi đi tác nghiệp tại cơ sở thì chỉ có một mình, vừa vác máy quay, cầm micro theo sát đoàn công tác để quay phim, phỏng vấn, vừa phải tập trung cao độ nắm bắt, thu thập thông tin tư liệu cần thiết cho hoạt động nghiệp vụ. Đó là chưa kể đến những chuyến đi công tác vùng sâu vùng xa, phải di chuyển bằng vỏ lãi hàng chục cây số, rồi cũng có khi vác máy băng đồng, lội bùn nhão nhoét. Thương nhất là mấy chị em phóng viên, chân yếu tay mềm, xử lý các tình huống chậm hơn, đôi khi lại bị lãnh đạo đài khiển trách, cũng cảm thấy chạnh lòng.

Phóng viên Tùng Lâm trong một lần công tác đưa tin về vụ lúa đông xuân trên địa bàn huyện. Ảnh: NVCC

Chính niềm đam mê với nghề đã níu chân họ ở lại với nghề. Dù rằng để trụ được, mỗi người phải cố gắng, phải học hỏi rất nhiều. Lợi thế của phóng viên đài huyện là ở địa bàn gần, phạm vi tiếp xúc không nhiều nên dễ cọ xát thực thế, nắm rất chắc tình hình tại địa phương. “Làm ở cơ sở nên hầu như phải tự thân vận động, tự mình hoàn thành một chương trình hoàn chỉnh. Nên mỗi khi gặp những phóng viên, kỹ thuật có kinh nghiệm ở đài tỉnh xuống, anh em mừng lắm. Ai cũng sẵn sàng hỏi, không giấu “dốt” để cùng chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ những kỹ năng để sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn. Sau những nỗ lực đó, đến giờ chất lượng sản phẩm của các chương trình đang thay đổi từng ngày theo hướng chất lượng, thu hút hơn…”, phóng viên Quốc Quí - Đài Truyền thanh huyện Đông Hải, từng tâm sự.

Mặc dù công việc của Đài Truyền thanh huyện chẳng khác gì những cơ quan báo chí khác, nhưng vẫn chưa được công nhận là cơ quan báo chí, mà chỉ là cơ quan tuyên truyền do UBND huyện quản lý. Tuy công sức của những phóng viên đài huyện bỏ ra khá nhiều, song về chế độ nhuận bút so với các báo, đài tỉnh thì còn rất thấp. Phần lớn các anh, chị đều có thâm niên với nghề, nên việc đam mê và gắn bó đến thời điểm này là cả một câu chuyện dài. Để trụ được, có người còn phải tìm cho mình nghề tay trái, bởi thu nhập khá thấp. Họ còn được thắp “lửa” bằng việc có một gia đình lớn cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ, một mái ấm với người chồng, người vợ hiểu và cùng san sẻ, thắp thêm ngọn lửa đam mê. Những điều này đã giúp họ vượt qua tất cả để được sống với nghề và giờ, họ đang tiếp tục truyền đam mê ấy cho những người trẻ đang tập tễnh bước vào nghề.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.