Đời sống - Xã hội
Những “địa chỉ tin cậy” trong phòng chống bạo lực gia đình
Những năm qua, các “Địa chỉ tin cậy” (ĐCTC) tại cộng đồng đã phát huy được vai trò của mình khi kịp thời giúp đỡ các nạn nhân bị bạo lực gia đình (BLGĐ). Nhờ vậy, nhiều cặp vợ chồng vốn xung khắc, thường xuyên mâu thuẫn, bạo hành đã trở nên hòa thuận, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi BLGĐ trong xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Cô Lâm Thụy Hồng Thương (bìa trái) tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình đến gia đình hội viên. Ảnh: T.Q
Điểm tựa cho phụ nữ bị BLGĐ
Đến nay, các ĐCTC ở cộng đồng do Hội LHPN TP. Bạc Liêu phối hợp với chính quyền, đoàn thể xây dựng đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong quá trình hoạt động. Cô Lâm Thụy Hồng Thương (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) được đánh giá là một trong những ĐCTC có nhiều đóng góp cho công tác bảo vệ quyền lợi phụ nữ.
Nhớ lại 5 năm trước, nhắc đến vợ chồng chị Thạch Thị Lệ ai cũng lắc đầu ngao ngán vì việc cự cãi, đánh nhau diễn ra thường xuyên. Thấu hiểu, san sẻ với tình cảnh của chị Lệ, đều đặn mỗi ngày hai lần, cô Thương đều đến nhà khuyên nhủ, đồng thời còn hỗ trợ chị Lệ vay vốn ưu đãi của Nhà nước đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vận động mạnh thường quân hỗ trợ gạo… Từ sự quan tâm của cô Thương, vợ chồng chị Lệ sống hòa thuận, chăm lo làm ăn. Mới đây, vợ chồng chị Lệ đã xây được ngôi nhà khang trang, kinh tế ổn định.
Không những bỏ sức chở che, hàn gắn cho nhiều phụ nữ bị BLGĐ, ngôi nhà của cô Thương từ lâu đã là nơi nương tựa cho biết bao nhiêu chị em bất hạnh. Không ngại khó, cô Phương đích thân đến tận nhà các nạn nhân, các gia đình hay xảy ra xung đột để tuyên truyền, hàn gắn. Bên cạnh đó, mỗi tháng, cô đều tập hợp chị em sinh hoạt Hội, qua đó giúp các chị em mở lòng, chia sẻ những bất hòa trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng để cùng nhau tìm hướng giải quyết. Với sự nhiệt tâm của cô, nhiều năm nay, ấp Biển Đông B không xảy ra vụ BLGĐ nào, các cặp vợ chồng chuyên tâm làm ăn, sự gắn kết gia đình ngày thêm bền chặt.
Cũng như cô Phương, cô Nguyễn Thị Út Bảy từ lâu cũng là ĐCTC quen thuộc của chị em phụ nữ ấp Giồng Nhãn A (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu). Cách đây 4 năm, khu Chòm Cóc có hơn 10 hộ gia đình sinh sống “nổi tiếng” là mất an ninh trật tự bởi các cặp vợ chồng ở khu này thường xuyên cãi cọ, đánh nhau. Thế nhưng, kể từ khi được Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Giồng Nhãn A đến từng nhà để khuyên bảo, tuyên truyền, đến nay tình trạng gây gổ, BLGĐ ở khu Chòm Cóc hầu như không còn, mọi người chịu khó làm ăn, phụ nữ cũng đã biết vun vén gia đình, cuộc sống ngày càng khởi sắc.
“Công tác phòng chống BLGĐ là hoạt động không dễ vì mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau nên việc tiếp cận đối tượng bị BLGĐ rất khó. Nhiều người lo lắng cho sự an toàn của tôi vì phải tiếp xúc với những người gây bạo lực, nhưng nhìn lại nỗi khổ của các chị em, tôi luôn cố gắng làm tròn vai của mình. Tôi nghĩ, nếu còn tư tưởng “đèn nhà ai nấy sáng” thì không thể chung tay ngăn chặn, đẩy lùi nạn BLGĐ được”, cô Út Bảy chia sẻ.
Phát huy hiệu quả mô hình ĐCTC
Những mối quan hệ trong gia đình hiện nay đang có nhiều thay đổi, bên cạnh mặt tích cực cũng còn nhiều nỗi lo, nhất là vấn nạn BLGĐ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, mà một trong số đó là bất bình đẳng giới, khó khăn về kinh tế, chênh nhau về trình độ nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, hay việc các đối tượng nghiện rượu, cờ bạc, ngoại tình, ghen tuông… Tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đa số nạn nhân thường cam chịu, không dám mạnh dạn tố cáo, nhất là khi người bạo hành, xâm hại chính là người thân của họ.
Nhằm tư vấn, giải quyết mâu thuẫn, trợ giúp nạn nhân bị BLGĐ, đến nay Hội LHPN tỉnh đã thành lập được trên 600 thành viên ĐCTC - là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khóm, ấp có uy tín cao, có kiến thức, kỹ năng và năng lực hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành và có cơ sở vật chất để có thể bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân. Với tinh thần tham gia tự nguyện, các thành viên đã kịp thời đại diện, bênh vực cho nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành; tư vấn, giải quyết các mâu thuẫn, bất hòa trong hôn nhân gia đình; trợ giúp nạn nhân bị bạo hành có nơi tạm lánh… Trung bình mỗi năm, mỗi ĐCTC đã tư vấn, can thiệp, hỗ trợ hàng chục vụ mâu thuẫn, BLGĐ. Các ĐCTC còn là cầu nối giúp nạn nhân nắm được những kiến thức về pháp luật để bảo vệ sự an toàn của bản thân khi tính mạng bị đe dọa.
Có thể thấy, việc thành lập, duy trì các ĐCTC là kênh tuyên truyền hiệu quả Luật Phòng, chống BLGĐ đến các hội viên, phụ nữ, giúp đỡ nạn nhân bị BLGĐ kịp thời, tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động của người dân, góp phần giảm thiểu các vụ BLGĐ gây nhức nhối trong dư luận, tạo sức lan tỏa rộng khắp, từ đ ó xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Minh Luân
- Giải Bi sắt vô địch đồng đội quốc gia năm 2025: Bạc Liêu đoạt Huy chương Đồng nội dung đồng đội kỹ thuật nam
- Xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Hợp tác xã Hồng Phát
- Đẩy mạnh bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các đơn vị xã mới thuộc huyện Hòa Bình
- Tọa đàm “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”