Đời sống - Xã hội
Nhọc nhằn những phận người mưu sinh trong mưa gió
Mấy ngày nay trời liên tục trút những cơn mưa nặng hạt, người người chỉ muốn nhanh chân về nhà, quây quần bên gia đình tận hưởng không gian ấm cúng. Ấy vậy mà trên những con đường vắng vẫn còn những con người dầm trong mưa gió để mưu sinh. Họ đa phần là người nghèo, không có việc làm ổn định, lại còn trách nhiệm “cõng” trên vai cả gia đình, cả ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn.
Người đàn ông mưu sinh giữa trời mưa lạnh buốt.
NẶNG GÁNH MƯU SINH
Mặc cho nước mưa làm bộ quần áo trên người ướt sũng, chú Minh Tâm (45 tuổi) vẫn cặm cụi đi bán từng tờ vé số. Những lúc mưa, xấp vé số được chú bọc trong túi ny-lon cẩn thận để tránh bị ướt.
Gia đình chú không ruộng nương, vợ lại mắc bệnh tiểu đường không thể lao động, mọi gánh nặng áo cơm, tiền thuốc thang của vợ đều trông chờ vào công việc bán vé số của chú. Để có thể bán được nhiều hơn, tờ mờ sáng chú đã rời khỏi nhà từ ấp Rạch Thăng (xã Vĩnh Trạch) đến chợ Phường 1 (TP. Bạc Liêu) để bán. Đến chiều tối chú lại rảo quanh các quán nhậu, quán cà phê và khu vực Quảng trường Hùng Vương để tranh thủ bán thêm. Ngày nào bán đắt thì chú kiếm được 200 - 250 ngàn đồng, còn những ngày mưa ế ẩm chỉ khoảng 100 ngàn đồng, có ngày gần đến giờ xổ số mà trong tay vẫn còn hơn 20 tờ chưa bán được, chú đành phải ôm, tiền lãi nguyên ngày không đủ bù vào vé ế. Đôi mắt đượm buồn, chú trầm ngâm: “Quá nghèo khổ nên ráng mà làm, nếu vì ngại trời mưa mà nghỉ bán thì lấy gì mà ăn. Nhiều lần dầm mưa bán vé số, tôi bị sốt nhưng chỉ mua vài liều thuốc uống cho qua cơn để có sức đi bán tiếp. Bản thân mắc bệnh viêm thần kinh tọa, viêm khớp không thể làm việc nặng nhọc được, tôi không thể chuyển sang nghề khác”.
Ngày nào cũng vậy, bất kể mưa giông hay nắng cháy da, cứ tầm 15 giờ chiều là bà Kim Anh quảy trên vai đôi quang gánh tàu hủ đi bộ từ cầu Tôn Đức Thắng (Phường 1) đến khu vực cầu Kim Sơn (Phường 2) để bán. Mấy ngày nay, trời mưa như trút nước, bà che vội chiếc áo mưa mỏng manh và cần mẫn ngồi chờ khách đến mua. Có những ngày mưa quá lớn, người mua ít, bà kiên nhẫn đội mưa đến 21 giờ tối với hy vọng bán được đồng nào hay đồng đó.
Bà Kim Anh chia sẻ: “Cái nghề bán tàu hủ gắn bó với tôi từ thời son trẻ đến tận bây giờ. Tuy quang gánh nặng nhọc, bán mỗi ngày chỉ lời khoảng 150 - 250 ngàn đồng nhưng cũng nhờ nghề này đã giúp tôi nuôi con cái và chăm lo cho gia đình được tốt hơn”.
Bà Thạch Thị Liên với quang gánh trái cây. Ảnh: T.Q
NỖ LỰC VÌ MIẾNG CƠM, MANH ÁO
Không riêng những người bán vé số, bán hàng rong, nhiều người hành nghề xe ôm cũng phải thường xuyên dầm mưa vì cuộc mưu sinh. Mùa mưa đến, họ phải cắn răng vượt qua cái lạnh để ngồi đợi khách, nhưng có khi cả buổi cũng không kiếm được đồng nào. Ông Đỗ Thành Nhân - tài xế xe ôm khu vực Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, chia sẻ: “Tôi làm nghề chạy xe ôm cũng trên 20 năm rồi, tháng nắng còn đỡ, chứ vào tháng mưa chạy xe không được bao nhiêu, nhưng tôi vẫn kiên trì ngồi đợi, vì đó là cuộc sống, là nồi cơm của cả gia đình tôi”.
Từ lâu, hình ảnh các bà, các mẹ dầm mưa mua gánh bán bưng đã trở nên quen thuộc, như bà Thạch Thị Liên (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) đều đặn quảy gánh trái cây nặng trịch đi khắp các tuyến đường nội ô TP. Bạc Liêu để bán. Chậm rãi nhấc đôi chân đã mệt nhoài, bà cố gắng đến các quán ăn, quán cà phê để bán, chốc chốc bà dừng lại xoa đôi bàn tay vì lạnh. Khuôn mặt ướt đẫm nước mưa, đôi môi run lên vì lạnh, bà Liên bộc bạch: “Mùa nắng thì còn đỡ, chứ những ngày mưa vất vả lắm, có khi đi cả chục quán chẳng có người nào mua. Những ngày như thế, có khi tôi phải đi bán từ sáng đến chiều mới về nhà. Thế mà có ngày bán ế, như bữa nay, phải đem về nhà, vậy là lỗ cả vốn”.
Mỗi người một hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung là đều tất bật mưu sinh vì gia đình và các con. Càng về cuối năm, mưa bão nhiều hơn cộng thêm triều cường dâng nên đường sá bị ngập khiến những gót chân của những người nghèo càng thêm nặng trĩu. Mong rằng mùa mưa sẽ nhanh qua để người lao động nghèo bớt vất vả, nhọc nhằn hơn.
THÙY LÂM
- 36 đảng viên được trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2 - năm 2025
- Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu được khen thưởng tại Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ 4
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện