Đời sống - Xã hội
Nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình), với phương châm “Giảm tới đâu chắc tới đó”, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc. Thông qua các chính sách giảm nghèo, các dự án thuộc Chương trình, đặc biệt là dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản... đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua từng năm.
Mạnh thường quân hỗ trợ cất nhà tình thương cho hộ nghèo ở huyện Hồng Dân.
Đa dạng hóa mô hình sinh kế
Từng là hộ nghèo, không có đất sản xuất, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Diễm (ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) khá chật vật. Năm 2023, UBND xã Vĩnh Phú Tây tạo điều kiện cho chị tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà, đồng thời hỗ trợ con giống và thức ăn. Nắm vững kiến thức, kỹ thuật nuôi nên đàn gà phát triển nhanh, tỷ lệ hao hụt rất ít, từ đó giúp gia đình chị có thu nhập ổn định và được công nhận thoát nghèo bền vững. Niềm vui được nhân đôi khi mới đây địa phương tiếp tục hỗ trợ gia đình chị 8 con heo giống từ Dự án đa dạng hóa sinh kế. Thu nhập từ mô hình chăn nuôi, cộng thêm nguồn thu từ nghề may vá của chị Diễm và việc chở hàng thuê của chồng chị nên đời sống kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ được 92 mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho trên 800 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tại các huyện, thị xã, thành phố với số kinh phí gần 15 tỷ đồng. Ngoài ra, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình, tỉnh cũng đã triển khai được 35 dự án sản xuất với tổng kinh phí thực hiện trên 5,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhằm tiếp sức hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển các mô hình sinh kế, thoát nghèo bền vững, từ năm 2022 - 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng cho trên 33.000 lượt hộ vay vốn để đầu tư mua bán nhỏ, chăn nuôi, làm rẫy…
Đã qua, việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, giúp người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1 - 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,18%/năm. Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.
Mô hình đan đát giúp nhiều lao động nông thôn thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Ảnh: T.Q
Nâng cao toàn diện cuộc sống người dân
Thời gian tới, để nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, các cấp, các ngành tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình, tạo sự nhận thức đúng, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phát triển kinh tế theo thế mạnh của mỗi địa phương, ưu tiên phát triển các mô hình tại chỗ nhằm tạo việc làm cho người nghèo, hộ nghèo. Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vận dụng tối ưu các nguồn lực sẵn có, đẩy mạnh phát triển các công trình có sự hỗ trợ của người dân theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và dạy nghề, đổi mới, làm tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho người lao động theo hướng chuyên môn hóa để phân luồng lao động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các cơ quan thông tin, báo chí tích cực tuyên truyền về công tác giảm nghèo, tập trung phân tích, nêu rõ nguyên nhân nghèo, những tiêu chí thiếu hụt để tập trung khắc phục và thực hiện có hiệu quả; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.
Mặt khác, hoàn thiện cơ sở thiết chế văn hóa, thông tin để người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo dễ dàng tiếp cận các chính sách mới của Đảng và Nhà nước ban hành. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn lực và giải quyết việc làm, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia thực hiện Chương trình, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản trong công tác giảm nghèo. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững…
Ngoài ra, phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo”, “Tháng hành động Vì người nghèo”... tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo của tỉnh. Tăng cường vai trò lãnh đạo, tiên phong của cấp ủy; phân công đảng viên, cán bộ tham gia giúp đỡ cộng đồng nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo…
Chương trình đã đi vào giai đoạn cuối thực hiện. Những thành quả đạt được đã đưa công cuộc giảm nghèo lên một tầm mới cao hơn, hướng tới bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Đây cũng là cơ sở vững chắc để Bạc Liêu hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, người dân có cuộc sống ấm no, phát triển.
Minh Luân
Bạc Liêu đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn dưới 1% (năm 2022 giảm 1,5%, năm 2023 giảm 2%, năm 2024 giảm 1%). Khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%; khu vực thành thị (gồm các phường, thị trấn) giảm còn dưới 1% hộ nghèo (trừ hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội). Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 1%; không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh