Đời sống - Xã hội
Nhà vườn thức, ngủ cùng hoa kiểng Tết
Khi những cơn gió bấc mang theo cái se lạnh tràn về, báo hiệu thời khắc năm mới sắp đến cũng là lúc các nhà vườn trồng hoa kiểng trên địa bàn tỉnh lại tất bật chuẩn bị cho mùa hoa Tết. Tuy nhiên, đây cũng là vụ hoa mà nhà vườn nào cũng vừa trồng vừa lo.
Các nhà vườn chăm sóc, chuẩn bị vụ hoa Tết. Ảnh: C.L
Yêu hoa cũng phải có nghề
Người làm nghề trồng hoa có câu “Người trồng hoa không ngắm được hoa nở”, bởi, sau gần 3 tháng kể từ lúc gieo hạt, ươm mầm, đến khi vừa ôm nụ, chuẩn bị khoe sắc thì cũng là lúc giỏ hoa lên xe theo những lái buôn đi trăm nẻo. Gắn bó với nghề trồng và chăm sóc hoa kiểng hơn 20 năm, anh Út (Phường 5, TP. Bạc Liêu) chẳng còn lạ “tính khí” của mỗi loài hoa. Thời điểm này, gia đình anh Út đang tất bật với công đoạn bón phân, “canh” diệt côn trùng phá hại…, để cung cấp cho thị trường hoa Tết năm nay khoảng 10.000 chậu với các loại hoa như: vạn thọ, hoa ly, mai…
Anh Út chia sẻ: “Trồng riết rồi mình hiểu nết hoa các loài hoa. Chỉ cần nhìn màu lá đã có thể biết được quá trình sinh trưởng của cây, chỉ nhìn búp chớm hé mà biết được ngày hoa bung cánh, nhìn thân cây đã biết bị bệnh gì, thiếu chất gì…”. Cũng theo anh Út, tất cả các công đoạn từ khi gieo giống đến khi xuất bán, đều rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Nếu như khâu làm đất cẩn thận bao nhiêu thì khi chọn giống rồi xuống giống, cũng phải trải qua những quy trình chặt chẽ bấy nhiêu. Hoa cảnh cũng như con người, cũng có tính cách riêng. Có loài ưa chìu chuộng, có loài lại dễ tính, không cần chăm sóc nhiều… Để hiểu được từng loại cây, để chăm sóc cho hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, cần nhiều thời gian và có khi cũng đòi hỏi sự trả giá.
Để không khí kịp đến với mỗi người, mỗi nhà trong dịp tết Nguyên đán, những người trồng hoa luôn phải thức, ngủ cùng hoa để có được một mùa hoa đúng vụ. Nghề trồng hoa vất vả, nhưng chăm hoa cũng như chăm người mình thương, mỗi biến đổi trên cây đều mang lại bao cảm xúc cho người trồng. Nói là thức, ngủ cùng hoa, cũng bởi, khác với nhiều loại cây trồng khác, cây hoa kiểng thường hấp thu và phát triển tốt nhất vào lúc rạng sáng. Chính vì vậy, người trồng hoa kiểng phải thức từ 3 - 4 giờ sáng để tưới nước, bón phân, canh từng nụ hoa nở.
Cũng lắm gian lao
Theo nhiều chủ vườn hoa kiểng trên địa bàn tỉnh chia sẻ, những năm gần đây thời tiết thường xuyên “đổi tính, đổi nết” nên người làm nghề trồng hoa kiểng cũng phải thích ứng và biết cách chăm sóc để hoa không bị lỗi hẹn với… mùa xuân.
Anh Lê Văn Cảnh (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) tâm tình: “Mấy năm nay trồng hoa kiểng khó hơn trước rất nhiều. Giờ mưa, nắng không theo quy luật mà mùa nào cũng có mưa, tháng nào cũng có mấy ngày nắng như đổ lửa. Bởi vậy, người trồng hoa phải linh hoạt, chủ động chăm sóc cho phù hợp với từng thời điểm phát triển của hoa, chứ nếu không thì sẽ thất vụ hoa, mất mùa Tết như chơi”.
Để có thể thành chủ vườn hoa, họ đã phải trải qua quá trình tự học vất vả. Từ đọc trong sách báo, trên tivi, lặn lội tìm đến tận các nhà vườn, đi theo từng người thợ để học về đặc tính sinh trưởng, phát triển của từng loài hoa. Lắng nghe tâm sự của những chủ vườn hoa, tôi thật sự ngạc nhiên trước sự am hiểu đến mức “cặn kẽ” về ý nghĩa của từng loài hoa mà họ chia sẻ. Những người trồng hoa, nếu nhìn sơ qua, thì sẽ thấy họ rất đỗi bình thường. Nhưng ẩn sâu trong dáng vẻ bình thường ấy, là một tâm hồn vô cùng sâu sắc và tinh tế. Lý do mà họ khởi nghiệp, cái cách họ nuôi dưỡng, duy trì công việc của họ đều rất đáng trân trọng. Gần họ, tôi mới nhận ra rằng, cây cối cũng có sinh mệnh, nếu mình yêu cây bằng sự hiểu biết thì sinh mệnh ấy sẽ phát triển tốt, cũng sẽ mang đến niềm vui cho mình. Bởi vậy, yêu hoa cũng phải có nghề.
Chí Linh
- Những bí thư chi bộ gần dân, tận tụy với công việc
- Gắn kết tình nhân ái qua những suất ăn 0 đồng
- Phát động trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Hội thảo tuyên truyền pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
- Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025