Người tiêu dùng hoang mang trước “ma trận” sữa, thuốc, thực phẩm giả

Thứ Hai, 05/05/2025 | 16:26

Chưa hết bàng hoàng trước vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả quy mô lớn bị phát hiện thì dư luận tại tiếp tục được phen rúng động khi một đường dây sản xuất thuốc chữa bệnh giả lớn được triệt phá. Chưa bao giờ người tiêu dùng (NTD) phải đối diện với cảm giác bất an, hoang mang như hiện nay khi từ bữa ăn đến thuốc chữa bệnh đều có hàng giả và hóa chất độc hại.

Thuốc, sữa bột giả liên quan đến các vụ vi phạm bị lực lượng chức năng triệt phá. Ảnh: Internet

Nỗi lo hàng giả chực chờ

Trong bối cảnh thị trường ngày càng mở cửa, hàng hóa ngày càng đa dạng thì NTD không còn xa lạ với khái niệm “hàng giả, hàng nhái, hàng lậu”. Tuy nhiên, khi tình trạng này ngày một gia tăng về chủng loại hàng hóa, mức độ tinh vi, quy mô… đã không khỏi khiến NTD bất an.

Trong thời gian ngắn, các vụ việc sữa, thuốc giả… bị phanh phui, bóc trần với số lượng khổng lồ cho thấy sự liều lĩnh và tinh vi của những kẻ sản xuất, buôn bán hàng giả. Không còn là những sản phẩm giả mạo một cách thô sơ như trước mà hàng giả, hàng nhái được “phù phép” một cách chuyên nghiệp từ bao bì, nhãn mác cho đến cả mã vạch, tem chống giả... khiến NTD rất khó phân biệt bằng mắt thường. Hơn nữa, trong bối cảnh thương mại điện tử “bùng nổ”, thói quen mua hàng của NTD dần thay đổi từ truyền thống sang online, các đối tượng làm ăn phi pháp cũng đã lợi dụng các sàn thương mại, mạng xã hội để quảng cáo, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến NTD càng dễ mua nhầm các loại hàng giả, hàng nhái.

Mua nhầm hàng giả không đơn thuần chỉ là “ném tiền qua cửa sổ” mà điều đáng lo ngại hơn là việc tiêu thụ, sử dụng phải những loại hàng giả như thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm giả gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dùng, nhất là người già và trẻ nhỏ.

Cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát và hậu kiểm

Hàng giả, hàng nhái đã có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, lan rộng từ thành thị tới các vùng nông thôn, trở thành mối đe dọa với cả cộng đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe NTD, gây ra rối loạn thị trường và tác động trực tiếp tới giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Chị Trà My (Phường 7, TP. Bạc Liêu) không giấu được vẻ lo lắng: “Nhà tôi có 2 con nhỏ còn đang dùng sữa bột công thức hằng ngày. Sau thông tin cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm loại sữa giả, tôi rất lo lắng vì không biết trong thời gian qua các con tôi có bị “dính” sữa giả hay không vì sức khỏe của con là trên hết”.

Trước “rừng” hàng giả, rất khó phân biệt với hàng thật, đặc biệt là các sản phẩm được làm nhái tinh vi khiến NTD không khỏi hoang mang, mất niềm tin với chất lượng các loại hàng hóa, thực phẩm, thậm chí có tâm lý e dè khi mua, sử dụng. “Tôi bị viêm khớp nhiều năm, mấy đứa con tôi thường mua thuốc trị xương khớp trên mạng và các tiệm thuốc gần nhà. Sau khi truyền thông đưa tin về  thuốc giả, dù không biết thuốc tôi đang sử dụng có phải là giả hay không, song để đảm bảo an toàn, tôi vẫn ngưng sử dụng chỉ uống thuốc kê đơn của bệnh viện. Mua cái gì cũng sợ, không biết thật - giả ra sao, chúng tôi cảm thấy hoang mang giữa “ma trận” thị trường hàng hóa”, ông Nguyễn Văn Trận (xã Phước Long, huyện Phước Long) bức xúc.

Để ngăn ngừa hàng giả, trong đó có thuốc, thực phẩm, sữa giả ra thị trường, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, mua bán, phân phối, quảng cáo cho hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm tạo tính răn đe; tăng cường hậu kiểm, kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc để kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây sản xuất hàng giả, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của NTD. Bên cạnh đó, việc ngăn thuốc giả, thực phẩm, sữa giả đi vào các bệnh viện, nhà thuốc, trường học cực kỳ quan trọng, do đó cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị này. Đối với NTD thì phải cẩn trọng khi mua hàng online; cảnh giác trước những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội; không mua sữa, thuốc qua các kênh thông tin không chính thống… Khi có bệnh cần đi khám bác sĩ để được kê toa thuốc phù hợp; mua thuốc tại những nhà thuốc uy tín…

Minh Luân

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh điều tra vụ sữa giả, thuốc giả

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Theo công điện của Thủ tướng, thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ làm giả thuốc, sữa và thực phẩm chức năng quy mô lớn, gây bức xúc dư luận. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng, các địa phương đẩy mạnh điều tra, xử lý theo pháp luật. Tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường, kiểm soát kênh phân phối, sàn thương mại điện tử, phối hợp chặt chẽ trong chống buôn lậu, hàng giả. Tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quảng cáo, nhất là quảng cáo hàng hóa về thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm chức năng... Tăng cường xử lý nghiêm để giảm thiểu nguy cơ và bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.