Luẩn quẩn khó nghèo vì đông con

Thứ Sáu, 22/12/2023 | 16:33

Xã hội phát triển, áp lực cuộc sống ngày càng nhiều, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cũng ngày càng ít đi. Tuy nhiên, tại các vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng ven biển, tình trạng sinh nhiều con vẫn phổ biến. Tương lai của những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo mờ mịt, khó thoát khỏi đói nghèo.

Chị Huỳnh Thị Đành (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) bên đứa con mới sinh. Ảnh: T.Q

Đông con, nghèo của

Những tưởng rằng chuyện con đông chỉ diễn ra ở những thập niên trước, thế nhưng ngày nay vẫn có rất nhiều gia đình sinh con đàn cháu đống. Mới tròn 27 tuổi, chị Huỳnh Thị Đành (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) sinh liền tù tì đến 8 người con. Năm 14 tuổi - cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, cơ thể chưa phát triển nhưng Đành đã làm mẹ. 3 năm sau, Đành sinh thêm 2 người con. Trớ trêu thay, chồng của Đành do bệnh nặng nên mất sớm. Không có việc làm nuôi bản thân và các con, Đành phải gửi con cho bên nội và trở về nhà mẹ đẻ. Không lâu sau Đành lại lập gia đình, trong 8 năm chị sinh liên tiếp 5 người con, đáng thương nhất là đứa trẻ nhỏ vừa được sinh cách đây vài ngày, do không có tiền nên chị sinh ở nhà. Cũng may, đứa trẻ chào đời thuận lợi, mẹ tròn con vuông.

Không có việc làm ổn định, ngày ngày chị Đành cùng các con đi nhặt ve chai, chồng chị thì làm thuê. Vì cuộc sống nghèo khó nên các con của chị đều không được đến trường, không được tiêm ngừa đầy đủ, nhu cầu vui chơi, giải trí càng là chuyện xa xỉ. Chỉ vì thiếu hiểu biết, kiến thức nông cạn nên vợ chồng chị Đành đã tước đi các quyền trẻ em của con cái, đẩy tương lai của chúng mù mịt như cha mẹ chúng.

Là hộ khổ nghèo nhất nhì khóm Chòm Xoài (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu), chị Huỳnh Ngọc Tươi (42 tuổi) lại có đến 10 đứa con nheo nhóc. Chồng chị không có việc làm, sáng xỉn chiều say, bản thân chị phải cật lực làm phụ hồ, lặt rau... nuôi cả gia đình. Mang bầu, sinh con liên tục, chị không có thời gian nghỉ ngơi, dù “bầu vượt mặt”, hay vừa sinh con được vài ngày là chị lại bất chấp sức khỏe đi làm kiếm tiền, vì nghỉ ngày nào thì đại gia đình đói ngày đó. Sinh con đông, con dày, lại không được bồi bổ nên thân thể chị héo hon, gương mặt già hơn tuổi, sức khỏe cũng ngày một suy yếu.

Tại khu Nhà tình thương 64 căn, khu E, khu F (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu), khu Hữu Nghị (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), khu vực rừng phòng hộ ven biển (huyện Hòa Bình)... có nhiều hộ sinh từ 3 - 7 đứa con. Cuộc sống của những hộ này chủ yếu dựa vào biển với việc mò cua, bắt cá; một số thì đi làm thuê. Trẻ con ở đây hầu hết đều được chính quyền tạo điều kiện cho đi học miễn phí, tặng dụng cụ học tập, tặng gạo…, nhưng đa phần khi vừa biết mặt chữ là các em đã bỏ học để phụ giúp cha mẹ mưu sinh.

Hệ lụy lâu dài

Việc sinh nhiều con đã và đang gây trở ngại cho công tác giảm nghèo, gây áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh - xã hội. Thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em không được chăm lo toàn diện, khó khăn về kinh tế, đồng thời khiến cho người phụ nữ sa sút về sức khỏe và cuộc sống của họ cứ mãi cứ mãi luẩn quẩn trong cái vòng “đông con - nghèo đói…” mà không tìm được lối ra.

Hiện nay, tại hầu hết các khóm, ấp trong tỉnh đều có cộng tác viên dân số “đến từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thực hiện kế hoạch dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ. Cơ quan đoàn thể các địa phương cũng thường xuyên tổ chức lồng ghép nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân, tuyên truyền các biện pháp tránh thai đến từng nhà... Tuy nhiên, do còn không ít người có tư tưởng muốn sinh con trai để có người nối dõi tông đường hay quan niệm “giàu con hơn giàu của”, đông con thì có đông lao động để tăng thu nhập, từ đó họ mặc nhiên sinh đông, sinh dày bất chấp hệ lụy mai sau.

Sinh đẻ không kế hoạch, vô tội vạ đã khiến cho hầu hết những gia đình vốn nghèo lại càng nghèo vì họ chỉ sinh con, nuôi con nên không có thời gian làm kinh tế, cũng không có thời gian và điều kiện chăm sóc tốt cho các con. Cái vòng nghèo đói, thất học cứ bám riết, đôi vai nhỏ bé của các bé sớm phải gánh một phần nỗi lo cơm áo cùng cha mẹ.

Dân số là một trong những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Con đông ở gia đình nghèo thì sẽ làm gánh nặng thêm cho đời sống kinh tế. Đặc biệt, phụ nữ trên 35 tuổi sinh con còn để lại những biến chứng về sức khỏe cho mẹ và con. Chính vì vậy, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình để nâng cao nhận thức của người dân. Cùng với đó là nỗ lực tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo sinh kế cho vùng dân tộc thiểu số, những địa bàn có tỷ lệ sinh con đông góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sinh con đông và nâng cao chất lượng dân số.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.