Lay lắt những phận đời… chạy thận

Thứ Hai, 27/11/2023 | 15:47

Mang trong mình căn bệnh nan y mà y học gọi là “suy thận mạn”, mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ có cùng chung số phận: suốt đời phải gắn liền với chiếc máy chạy thận. Đời người bệnh thận mạn được ví như cây tầm gửi, bởi cuộc đời cứ bám riết vào máy móc, bác sĩ, gia đình… và sự sống của họ lúc nào leo lét như ngọn đèn trước gió.

Bệnh nhân chạy thận tại Trung tâm Y tế TX. Giá Rai. Ảnh: T.Q

Nỗi đau khi mang bệnh “nhà giàu”

Khi trời còn chưa rõ mặt người, hành lang khu điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, các trung tâm Y tế TX. Giá Rai, huyện Đông Hải… đã có khá đông bệnh nhân chờ chạy thận. Để có mặt vào giờ này, họ phải rời nhà đón xe buýt, nhờ người thân hoặc bắt xe ôm chở đi từ rất sớm. Một số người phải ở trọ lại hay ở luôn tại hành lang bệnh viện từ đêm hôm trước cho kịp giờ chạy thận.

Lặng lẽ ngồi dựa vào tường tại sảnh khu điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Trung Thu (49 tuổi, khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) thở một cách mệt nhọc. Trước đây ông từng có một gia đình hạnh phúc, chồng đi ghe biển, vợ làm thuê, tuy thu nhập không nhiều cũng đủ ăn. Tai ương ập đến khi vào năm 2021, ông cảm thấy đau vùng bụng, sau khi thăm khám bác sĩ cho biết ông bị suy thận mạn. Tuy có bảo hiểm y tế (BHYT), song mỗi lần chạy thận chi phí tiền xe, tiền thuốc cũng tốn hơn 300.000 đồng. Không còn sức lao động, trong nhà không có gì quý giá nên gia đình nhanh chóng rơi vào cảnh khánh kiệt. Đau lòng hơn là người vợ tào khang do chán cảnh chăm chồng bệnh tật nên bỏ nhà đi để lại ông cùng 2 đứa con thơ dại. Không ít lần, vì không có tiền chạy thận, ông rơi vào hôn mê và nhờ được cấp cứu kịp thời mới sống lay lắt đến hôm nay. “Nhiều lúc quá thiếu thốn, đau đớn, tôi từng nghĩ sẽ buông xuôi, nhưng rồi nghĩ đến các con nên tôi gắng gượng sống được ngày nào hay ngày đó”, ông Thu bùi ngùi sẻ chia.

Một trong những người có thâm niên chạy thận, gắn bó với bệnh viện nhiều năm là ông Diệp Thanh Vũ (45 tuổi, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình). Mắc bệnh thận mạn lâu ngày khiến ông bị bào mòn, biến chứng nhiều bệnh về thiếu máu tim, nhồi máu não, gan… Trước đây, những ngày không đến bệnh viện, ông tranh thủ bán vé số, nhiều lần yếu sức té ngã, ngất xỉu nhưng ông vẫn gắng gượng bán để có tiền đi chạy thận. Nay, bệnh biến chứng, ông không còn sức đi bán, mọi gánh nặng trông chờ vào mâm bánh cam của người vợ, cuộc sống của gia đình rơi vào ngõ cụt.

Nỗi đau và khát vọng sống

Không như những căn bệnh khác, sự sống của bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối gần như phụ thuộc vào việc chạy thận. Điều trị dài ngày, liên tục, chi phí rất tốn kém, trong khi sức khỏe của bệnh nhân ở giai đoạn chạy máy thì chỉ thở thôi cũng khó khăn, mệt nhọc. Điều đáng nói là, bệnh suy thận mạn ngày càng nhiều và ngày càng trẻ hóa.

Mười bảy tuổi - cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, vậy mà giấc mơ lập nghiệp kiếm tiền của em Nguyễn Thiên Lộc (24 tuổi, TP. Bạc Liêu) khép lại khi bị chẩn đoán mắc bệnh thận mạn. Bảy năm nay, đều đặn mỗi tuần 3 lần, em vào bệnh viện gắn liền với kim tiêm, dịch truyền. Nhà Lộc nghèo không lo nổi chi phí nên mấy năm qua, mỗi lần đến đợt chạy thận là Lộc phải đi khắp nơi tìm các nhóm, hội từ thiện xin giúp đỡ. Những lúc xin không được tiền, em đau đớn vật vã. Do chạy thận nhiều năm, đến nay, cánh tay trái bị phì đại, biến dạng và nổi u to vô cùng đau đớn.

Gác lại những cuộc vui chơi, những giờ học với bạn bè, đều đặn mỗi tháng 2 lần, em Dương Thị Thùy Dương (12 tuổi, ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) phải đến bệnh viện để lọc máu. Từ một cô bé năng động, hồn nhiên, giờ đây Dương phải gắn liền với máy lọc thận để duy trì sự sống.

Hiện nay, mặc dù chạy thận nhân tạo đã được BHYT chi trả nhưng ngay cả khi được chi trả 100%, mỗi tháng bệnh nhân cũng phải tốn tiền cho các khoản chi phí xét nghiệm máu, tiền thuốc, đi lại; còn những bệnh nhân được BHYT chi trả 80% thì mỗi tháng phải tốn từ 3 - 5 triệu đồng. Bởi vậy, khi mắc bệnh thận mạn tính thì người giàu cũng rất dễ trở thành người nghèo, người trung bình thành kiệt quệ bởi chi phí điều trị rất tốn kém, thời gian điều trị đến hết cuộc đời. Với những bệnh nhân đến khi không còn khả năng thì cắt giảm số lần điều trị, thậm chí bỏ điều trị. Tình trạng bỏ, cắt giảm số lần chạy thận sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân, có thể dẫn đến phù phổi cấp, suy tim và dễ tử vong…

Những người không may bị suy thận mạn nếu không tìm được nguồn thận hiến tặng sẽ phải chấp nhận chạy thận nhân tạo đến hết cuộc đời. Mong sao có thêm những chính sách hỗ trợ và có nhiều mạnh thường quân sẻ chia về vật chất lẫn tinh thần giúp họ có điều kiện, động lực tiếp tục chữa bệnh để thực hiện những ước mơ còn dang dở.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.