Đời sống - Xã hội
Làng nghề vào xuân
Khi những làn gió bấc mang theo cái se lạnh pha một chút nắng ấm của mùa xuân tràn về thì cũng là lúc các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh tất bật, nhộn nhịp sản xuất để chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết.
Người dân làm nghề rèn ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân - ảnh trên) và nghề đan đát ở ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long). Ảnh: C.L
Tuy có khá ít làng nghề truyền thống, nhưng với những sản phẩm có tính độc đáo, chứa đựng hồn cốt của dân tộc, sắc màu văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã tồn tại và phát triển gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của quê hương Bạc Liêu. Về làng nghề rèn, nghề dệt, nghề mộc ở huyện Hồng Dân vào những ngày này, sẽ cảm nhận rất rõ không khí rộn ràng, tất bật. Dọc theo các tuyến đường quê dẫn vào các xóm ấp, bà con tranh thủ đón nắng để phơi những bó lác nhằm chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho những chiếc chiếu mới. Chị Võ Thị Dung (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) cho biết: “Nghề dệt ở quê hương Hồng Dân có từ lâu lắm rồi. Hồi xưa dệt chủ yếu bán cho bà con chòm xóm, sau đó những người ở các xã khác, vùng khác thấy sản phẩm đẹp, bền nên sang đây đặt hàng. Dần dần nghề dệt trở thành một nghề truyền thống và được duy trì đến ngày nay”.
Cũng theo chị Dung, dệt chiếu thường thì ai cũng làm được, nhưng chiếu bông thì chỉ có những người thợ dệt lành nghề mới kham nổi. Bởi, muốn có một chiếc chiếu bông đẹp, người dệt phải lựa kỹ từng cọng lác, sợi đay và khó nhất chính là việc phối màu trên sản phẩm để màu sắc vừa hài hòa, vừa sinh động. “Hồi trước, mỗi khi tết đến xuân về, nhà nào người ta cũng tranh thủ mua chiếu bông để trải trên giường nhà trước đón khách, nên chiếu bông dịp tết bán rất đắt hàng. Giờ tuy không còn nhận được nhiều đơn hàng như trước, nhưng bà con làm nghề dệt cũng cố gắng truyền dạy cho các con em trong gia đình để lưu giữ nghề truyền thống”, chị Dung tâm sự.
Nằm đan xen giữa những gia đình làm nghề dệt chiếu truyền thống là các lò rèn dao Ngan Dừa - sản phẩm đã làm nên thương hiệu cho nghề rèn của quê hương Bạc Liêu - cũng đang tất bật vào mùa. Đến thăm lò rèn của gia đình anh Trần Văn Tân, anh cho biết: “Thời gian này đang là cao điểm phục vụ thị trường tết, nên gia đình tôi phải làm việc ngày đêm để kịp giao hàng cho thương lái. Nhờ sản phẩm làng nghề mình làm ra đạt chất lượng, có thương hiệu và uy tín nên được nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận nơi đặt hàng”.
Chia tay với những làng nghề truyền thống của huyện Hồng Dân, men theo con đường liên huyện Hồng Dân - Phước Long, chúng tôi đến ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long). Chào đón chúng tôi về với làng nghề đan đát nơi đây là những vườn trúc xanh rì đang đu đưa trong gió, những sản phẩm đan đát đã thành hình nằm phơi nắng trước sân. Là một trong những nghề truyền thống, mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã, làng nghề đan đát Mỹ I từ lâu được biết đến với những sản phẩm độc đáo được tạo ra từ bàn tay tài hoa, tâm huyết của những người thợ nơi này. Bà Hồ Thị Thúy - một hộ dân ở xã Vĩnh Phú Đông, chia sẻ: “Công việc đan đát nơi này được duy trì quanh năm, song bận rộn nhất là vào dịp tết. Để giữ được “nét riêng” của các sản phẩm, người làm nghề trong làng luôn phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình từ khâu chọn nguyên liệu, cho đến chẻ nan, tạo hình. Nhờ có thương hiệu nên đã giúp cho đầu ra sản phẩm thuận lợi, thu nhập cũng tăng, khiến cho các hộ làm nghề rất phấn khởi và càng tích cực sản xuất để có thêm thu nhập mà tiêu dùng cho dịp tết”.
Trong năm qua, cùng với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các làng nghề truyền thống, tỉnh đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho các làng nghề, trong đó tập trung phát triển các làng nghề theo hướng sản xuất hàng hóa thông qua việc hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân vào đầu tư… Để tăng giá trị sản phẩm, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư máy móc, đổi mới thiết bị trong sản xuất, thay thế dần các hoạt động lao động chân tay hay công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, nhờ đó sản phẩm xuất ra vẫn giữ được vẻ đẹp tinh xảo, truyền thống nhưng cũng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện đại.
Một mùa xuân mới lại về mang theo bao niềm vui và cả những trăn trở của người dân làng nghề. Để giữ nghề và sản phẩm của làng nghề được tiến xa hơn nữa thì không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê sáng tạo, mà họ cũng cần có thêm sự hỗ trợ về vốn, tạo thương hiệu, liên kết sản xuất… Đây sẽ là động lực giúp các làng nghề tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Khánh Nguyên
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới