Kiếp thương hồ lênh đênh cùng sông nước

Thứ Tư, 29/11/2023 | 15:58

“Kiếp thương hồ rày đây mai đó, gạo chợ, nước sông, giấc ngủ chập chờn” - câu tâm tình chân chất của một anh hàng xáo chạy ghe từ Tứ giác Long Xuyên (An Giang) về Bạc Liêu thu mua lúa đã phần nào nói lên cuộc sống vất vả của những người bán hàng sống lênh đênh trên sông nước. Với họ, những chiếc ghe vừa là nhà, vừa là phương tiện mưu sinh.

Nhóm ghe bạn hàng xáo ngồi chờ mở cống, chuyển lúa ra kênh lớn ở huyện Hòa Bình. Ảnh: C.L

Xuôi ngược khắp miền

“Nhất cận thị, nhị cận giang” câu thành ngữ mang hàm ý, khi hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ chưa liền mạch và phát triển mạnh như hiện nay thì giao thông đường thủy vẫn là tuyến lưu thông, chuyên chở hàng hóa chính của nhiều địa phương. Do đó, nghề đi ghe thương hồ phát triển rất sớm, nhất là ở miền sông nước Cửu Long. Có nhiều gia đình mà tôi gặp đã gắn bó với nghề hàng xáo 3 đời.

Với ít vốn liếng dành dụm cùng với chiếc ghe, họ dọc ngang sông nước từ vùng này sang vùng khác để thu mua lúa gạo, nông sản ở những vùng đang vào vụ thu hoạch rộ. Rồi lại xuôi dòng chở những nông sản ấy về nơi khan hàng, bán kiếm lời. Nếu biết tích góp, sau vài năm họ có thể bỏ ghe, lên bờ, mua đất lập nghiệp. Thế nhưng, lại có người vốn đã quen với sông nước, kiếp sống thương hồ, cơm ghe bè bạn “gạo chợ nước sông” nên vẫn bám trụ dù cuộc sống không còn khó khăn.

Đời thương hồ không chỉ sống nay đây mai đó, mà còn là những câu chuyện tình nghĩa mưu sinh nhọc nhằn và bao hiểm nguy trên sông nước. Anh Trần Minh Triều (quê An Giang) cho biết: “Đời thương hồ vui nhất là mỗi khi được gặp bạn bè bên ghe bạn, kết dòng, tâm sự chuyện nhà, chuyện đời, chuyện mua bán, làm ăn. Không chỉ vậy, với tôi mỗi khi chạy ghe về địa phương khác để thu mua nông sản còn là một trải nghiệm, một khám phá vùng đất mới. Có lúc vui cùng niềm vui trúng mùa, trúng giá, mà cũng có hôm lòng nặng trĩu khi nhìn thấy ánh mắt đượm buồn của cô, chú chủ ruộng khi lúa rớt giá”.

Nghề sông nước có tiền ra tiền vào, lại được đi đây đó, biết được nhiều chuyện lạ. Anh Triều nói: “Trước đây, người ta sẽ treo hàng hóa bán lên cây bẹo cắm trước mũi ghe. Kiểu quảng cáo này rất trực quan, sinh động, người trên bờ chỉ cần nhìn thấy món hàng mình cần mua có trên cây bẹo thì gọi ghe ghé vào. Còn bây giờ thì phát loa, chủ ghe hàng không còn rao bán như xưa”.

Lại nói về chuyện mua bán cũng mỗi nơi mỗi khác. Cũng là “chục” nhưng ở An Giang là 12 trái (bắp, dừa…), Rạch Giá thì 16 trái, còn Cà Mau lên tới 18 trái. Tuy chênh lệch là vậy, nhưng tất cả đều theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Bắt nhịp với thời đại, việc giao dịch mua bán ngày nay đều thông qua điện thoại thông minh, không còn cảnh phải đến tận nơi xem hàng rồi mới ra giá, mà kết nối với nhau qua mạng xã hội, từ đó giảm thời gian và chi phí đi lại.

Ghe chở chuối từ huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) lên chợ Bạc Liêu bán.

Gập ghềnh qua mỗi khúc sông

Sông nước rộng, nguy cơ xảy ra tai nạn ít hơn giao thông trên đường bộ, nhưng cũng không ít hiểm nguy rình rập trước mũi ghe. Gắn bó với nghề hàng xáo, chạy ghe gần giáp vùng sông nước miền Tây đã mấy chục năm ròng, anh Lý Minh Phu (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Lái xe trên bờ nguy hiểm như thế nào thì đi đường sông cũng nguy hiểm như vậy. Sắp tới khúc cua mà mình không biết thì rất dễ xảy ra va chạm với ghe khác, còn khi chạy trên các tuyến kênh xáng, ghe nhỏ chẻ từ các kênh nhánh ra rất nhiều, thiếu quan sát là đâm nhau ngay. Đó là chưa kể những lúc đêm khuya, trời tối, khó quan sát… Vì vậy, đòi hỏi người cầm lái phải hết sức tỉnh táo. Chỉ khi nào hạ neo, cắm sào thì mới có thể thở phào nhẹ nhõm”.

Mỗi khi tới mùa thu hoạch lúa rộ thì những chiếc ghe hàng chở đầy lúa neo đậu nhận lúa, hoặc chờ vận chuyển lúa lên nhà máy xay xát thành gạo lại đông ken trên khắp các tuyến kênh lớn của tỉnh. Dù mỗi người một hoàn cảnh, một xứ sở, một quê hương nhưng khi neo đậu gặp nhau ở một bến sông thì thường kết nghĩa anh em bầu bạn, tri kỷ giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn, sống với trách nhiệm cộng đồng rất cao.

Nói sao cho hết nỗi nhọc nhằn, cơ cực mà những người mang kiếp thương hồ phải cam chịu trong chuỗi ngày mưu sinh lênh đênh trên sông nước. Không chỉ có nỗi lo tai nạn, bán buôn ế ẩm mà còn phải cảnh giác trước tình trạng trộm cắp, nhẹ là lấy hàng hóa, nặng là bị gỡ phụ tùng máy chạy tàu... Vượt lên tất cả, sau những chuyến hàng xuôi ngược, những người sống kiếp thương hồ lại mang những quả ngon miệt vườn, đặc sản nông thôn đến với người dân ở khắp mọi miền đất nước.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.