Đời sống - Xã hội
Khám phá không gian văn hóa Khmer và Hoa tại Bảo tàng Bạc Liêu
Bảo tàng Bạc Liêu không chỉ là địa điểm lưu giữ những hiện vật quý giá về tự nhiên và lịch sử địa phương, mà còn là một biểu tượng văn hóa của tỉnh. Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 25.000 hiện vật và tài liệu, giúp khắc họa rõ nét về quá khứ và hiện tại của một phần vùng đất phương Nam đa dạng về thiên nhiên, giàu truyền thống cách mạng và phong phú về văn hóa, trong đó có các không gian trưng bày văn hóa của cộng đồng người Khmer và người Hoa.
Một góc không gian trưng bày văn hóa Khmer, có mô hình tái hiện nghi thức buộc chỉ tay trong lễ cưới.
Vòng gặt lúa hình chữ S
Hai không gian tái hiện và giới thiệu văn hóa của hai cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống tại Bạc Liêu là Khmer và Hoa không chỉ giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về đời sống, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của hai dân tộc anh em, mà còn thể hiện sự đa dạng văn hóa của tỉnh Bạc Liêu.
Phòng trưng bày về văn hóa Khmer là một không gian sống động, nơi du khách có thể tìm hiểu sâu hơn về đời sống và các phong tục, tập quán của đồng bào Khmer tại Bạc Liêu. Người Khmer có dân số đông nhất trong hơn mười dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn Bạc Liêu và là chủ của một nền văn hóa phong phú, độc đáo. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hiện vật tái hiện cuộc sống hàng ngày của người Khmer từ thời xưa, như các công cụ nông nghiệp truyền thống, đồ dùng sinh hoạt, và trang phục đặc trưng.
Nông nghiệp là ngành nghề chính của người Khmer tại Bạc Liêu, với nghề trồng lúa nước đóng vai trò trung tâm. Trong quá khứ, người Khmer thường sử dụng sức trâu trong các công đoạn cày, bừa và trục đất. Những công cụ truyền thống như vòng gặt, nọc cấy, phảng và kẹp đập lúa cũng có mặt ở Bảo tàng, giúp khách tham quan hình dung được quy trình canh tác của người Khmer qua từng giai đoạn lịch sử.
Vòng gặt lúa của người Khmer có sự khác biệt đáng chú ý so với người Kinh, được làm giống hình chữ S, trong khi vòng gặt của người Kinh lại có hình chữ V. Sự khác biệt này không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, mà còn minh chứng cho bản sắc văn hóa độc đáo của người Khmer.
Ngoài nông nghiệp, người Khmer còn thành thạo với các nghề đánh bắt cá trên kênh, ruộng và biển. Những ngư cụ truyền thống như gió, lợp, xà neng và nom được trưng bày để giới thiệu về kỹ thuật đánh bắt cá đặc trưng của người Khmer.
Phòng trưng bày còn tái hiện các ngành nghề thủ công truyền thống của người Khmer, như nghề dệt chiếu và đan đát. Một sản phẩm đặc trưng là sa-chi, được dùng để đậy thức ăn khi dâng cúng tại chùa trong các lễ hội. Những nghề truyền thông này không chỉ giàu bản sắc văn hóa mà còn đóng góp vào việc cải thiện kinh tế gia đình của người Khmer.
Về đời sống văn hóa tinh thần, Bảo tàng Bạc Liêu còn giới thiệu tôn giáo Phật giáo tiểu thừa, còn gọi Phật giáo Nam tông của người Khmer. Các ngôi chùa Khmer tại Bạc Liêu không chỉ là sinh hoạt tôn giáo, mà còn là trung tâm văn hóa cộng đồng. Trong số 22 ngôi chùa Phật giáo Nam tông tại Bạc Liêu, chùa Ghositaram (chùa Đầu) là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Bên cạnh đó, các nghi lễ truyền thống như lễ cưới, với các nghi thức đặc trưng, như: lễ "buộc chỉ cổ tay" và các hoạt động nghệ thuật (như sân khấu Dù Kê) cũng được giới thiệu chi tiết. Âm nhạc truyền thống Khmer, với các giàn nhạc ngũ âm và nhạc cụ dân gian, góp phần làm nên không gian văn hóa đậm đà bản sắc của người Khmer tại Bạc Liêu.
Một số hiện vật trong đời sống người Hoa được trưng bày tại bảo tàng.
Độc đáo nghề đổ tháp đường cúng Ngọc Hoàng
Phòng trưng bày về văn hóa người Hoa tại Bảo tàng Bạc Liêu lại là một không gian đầy màu sắc, phản ánh rõ nét sự đóng góp của cộng đồng người Hoa vào sự phát triển của tỉnh Bạc Liêu. Người Hoa di cư đến Bạc Liêu vào khoảng nửa sau thế kỷ XVII, mang theo những giá trị văn hóa đặc sắc của họ từ quê hương xa xôi.
Khi mới đến, người Hoa thường mang theo các vật dụng sinh hoạt truyền thống như đòn gánh, rương, thùng gỗ, và trang phục giản dị để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Trang phục của người Hoa thời xưa với áo vải đen hoặc trắng, quần đáy bánh bò và nón lá. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng này đã dần thay đổi, hòa nhập với phong cách sống của người bản địa cũng như thuận tiện trong sinh hoạt, lao động.
Không gian còn trưng bày nhiều hình ảnh về kiến trúc nhà cửa, đời sống tinh thần của người Hoa tại Bạc Liêu gắn liền với các chùa miếu, nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng và văn hóa cộng đồng. Các ngôi miếu như Thiên Hậu cổ miếu, Phước Đức cổ miếu và Quan Đế cổ miếu không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là trung tâm văn hóa của người Hoa với những lễ hội lớn, các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống như hát bội, múa lân - sư - rồng, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa.
Bảo tàng còn trưng bày một số nhạc cụ truyền thống: đàn tranh, tỳ bà, đàn tam thập lục,... Ngoài ra, người Hoa khi di cư đến vùng đất mới đã mang theo những ngành nghề gia truyền để tạo dựng cuộc sống mới, đó là nghề bắt mạch, hốt thuốc Bắc trị bệnh, làm tương, sản xuất bánh in, bánh pía, dệt vải và chế biến lạp xưởng.
Đặc biệt, nghề đổ tháp đường dùng cúng vía Ngọc Hoàng một nghề độc đáo, được truyền từ đời này sang đời khác với những bí quyết nghề nghiệp chỉ được truyền lại trong dòng họ cũng có mặt trong không gian trưng bày của Bảo tàng Bạc Liêu.
Phòng trưng bày về văn hóa người Hoa không chỉ giúp du khách hiểu rõ hơn về những đóng góp của người Hoa vào sự phát triển của Bạc Liêu, mà còn là một lời khẳng định về sự đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam.
Hai không gian trưng bày về văn hóa đồng bào Khmer và đồng bào Hoa tại Bảo tàng Bạc Liêu không chỉ là những điểm đến thú vị cho du khách mà còn là những kho tàng văn hóa quý giá, giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua những hiện vật và tư liệu được trưng bày, bảo tàng đã khắc họa một bức tranh sinh động về đời sống và văn hóa của hai cộng đồng dân tộc lớn tại Bạc Liêu, góp phần làm giàu thêm di sản văn hóa của tỉnh và cả nước.
Bài, ảnh: Thanh Mai
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước