Khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất: Nên tính chuyện lâu dài

Thứ Hai, 08/06/2020 | 17:26

Hiện nay, hầu hết các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh đều được các đơn vị chức năng quản lý tốt. Song, việc khai thác nước ngầm từ các trạm này và từ các giếng khoan trong dân phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất quá lớn, dẫn đến mực nước ngầm tụt giảm đáng báo động.

Hệ thống lọc nước ngầm tại Nhà máy lọc nước số 2 (phường 5, TP. Bạc Liêu).

KHAI THÁC TRÀN LAN

Hiện nay, đa số người dân trong tỉnh đều sử dụng nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Trên địa bàn TP. Bạc Liêu hiện có hai nhà máy cấp nước với tổng công suất 22.000m3 nước/ngày/đêm đều khai thác và xử lý từ nguồn nước ngầm. Ngoài ra, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 110 trạm cấp nước cũng khai thác nước ngầm phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 63.000 hộ dân. Theo ông Lê Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, các trạm cấp nước ở nông thôn được xây dựng nhiều năm nên xuống cấp, cần được sửa chữa nâng cấp và thay thế các trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến để khai thác, xử lý nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân nông thôn.

Theo các nhà chuyên môn, tình trạng khai thác nước ngầm diễn ra ồ ạt tại khu vực ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng đã ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Còn thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 93.000 giếng khoan (cây nước), trong đó giếng khoan của các hộ dân chiếm tới 85.752 giếng. Các địa phương có số lượng giếng khoan nhiều là huyện Vĩnh Lợi với hơn 25.800 giếng, Đông Hải gần 16.000 giếng, TX. Giá Rai hơn 15.800 giếng... Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng số lượng giếng khoan tăng mạnh là do nhu cầu nguồn nước sinh hoạt và phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm. Người dân khoan giếng lấy nước ngầm sinh hoạt cũng như đưa vào các vuông nuôi tôm để làm giảm độ mặn. Nhu cầu nước ngầm phục vụ cho các vuông tôm đặc biệt tăng mạnh trong mùa nắng nóng, khô  hạn. Tình trạng gia tăng ồ ạt số lượng giếng khoan tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất cân bằng mực nước ngầm, sụt lún đất và gây ô nhiễm nguồn nước...

Khoan giếng lấy nước ngầm phục vụ sinh hoạt ở nông thôn.

CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP THIẾT THỰC

Trong thời gian tới, nếu tỉnh không kịp thời đề ra những biện pháp quản lý thiết thực, hiệu quả thì tình trạng khoan giếng bừa bãi và khai thác nước ngầm tự phát của người dân được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra. Từ đó, hiện tượng tụt giảm nguồn nước và nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm sẽ là chuyện không xa. Khi nguồn nước ngầm bị tụt giảm mạnh sẽ tạo điều kiện để nước mặn vùng ven biển xâm nhập sâu vào nội đồng, càng làm cho thiếu nước ngọt trong mùa khô, tình trạng sụt lún đất trở nên gay gắt.

Người dân nông thôn dùng nước ngầm phục vụ sinh hoạt. Ảnh: M.Đ

Trước thực trạng trên, tỉnh đưa ra các giải pháp trước mắt là đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung nông thôn với công nghệ xử lý nước hở; duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng đường ống kết hợp đấu nối hòa mạng các công trình gần nhau nhằm tăng công suất thiết kế, giảm thất thoát, thất thu nước sạch, nâng cao hiệu quả, hoạt động bền vững của công trình. Còn về lâu dài, tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ Công ty Cổ phần cấp nước Bạc Liêu tiếp cận được các nguồn vốn để đầu tư nhà máy xử lý nước lợ, mặn bổ sung thêm nguồn nước và dần thay thế nguồn nước ngầm. Nghiên cứu các giải pháp công nghệ bổ sung cho cụm xử lý nước, nhất là khả năng nguồn nước bị nhiễm mặn. Do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, cần phải theo dõi chất lượng nguồn nước ngầm để bổ sung công nghệ xử lý nước, đảm bảo cung cấp nước an toàn. Nghiên cứu các công trình cấp nước sạch tập trung sử dụng nguồn nước mặt để cung cấp nước sạch nhằm giảm khai thác nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt…

MINH CHÂU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.