Đời sống - Xã hội
Huyện Hòa Bình: Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, huyện Hòa Bình luôn quan tâm thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn với những cách làm sáng tạo. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn khá cao, điều này đòi hỏi địa phương cần phải thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình) hỗ trợ phương tiện mua bán để giúp hộ nghèo có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: C.K
Quyết tâm giảm nghèo cho dân
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giảm nghèo bền vững, từ những chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Hòa Bình đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch như: Kế hoạch 88, ngày 29/8/2022; Kế hoạch 84, ngày 26/6/2023; Quyết định 1532a, ngày 14/8/2023 của UBND huyện… Cùng với đó là sự nỗ lực, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ của các ban, ngành, doanh nghiệp và Nhân dân trong huyện, vì vậy công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn đã đạt được một số kết quả khả quan.
Điển hình như năm 2022, công tác an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo tiếp tục được chú trọng, trong năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,75%, hộ cận nghèo giảm 1,9%.
Tuy nhiên, nhìn chung công tác giảm nghèo của huyện hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều thách thức như: theo kết quả điều tra năm 2022, trên địa bàn huyện còn 1.380 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,9%) và 1.494 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,31%); tỷ lệ thiếu hụt cao ở 5 dịch vụ xã hội cơ bản đó là: bảo hiểm y tế, việc làm, sử dụng dịch vụ viễn thông, nhà tiêu hợp vệ sinh và chất lượng nhà ở. Từ đó cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh (năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,4%).
Những giải pháp trong thời gian tới
Từ những tồn tại, khó khăn trên, để giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, huyện Hòa Bình cần có những giải pháp hiệu quả:
Trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và sự điều hành của chính quyền địa phương. Cụ thể là tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị trong huyện đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tạo điều kiện để người làm công ăn lương có hợp đồng lao động, tạo thu nhập ổn định cho người nghèo. Đây là giải pháp cơ bản để thực hiện Kế hoạch 84 ngày 26/6/2023 của UBND huyện về “Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn huyện Hòa Bình năm 2023. Chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, cận nghèo như: việc làm, nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông… Chỉ đạo tổ chức đợt cao điểm vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo; thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội, huy động nguồn lực của toàn xã hội giúp đỡ người nghèo. Quan tâm hướng dẫn các hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, cung cấp thông tin, khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Hai là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục. Theo đó, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân và các doanh nghiệp (trong nước và nước ngoài) đóng góp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội của huyện để thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy chỉ đạo, hướng dẫn Đài Truyền thanh huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung việc thực hiện giảm nghèo bền vững. Kịp thời tuyên dương, tôn vinh các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực, quyết tâm thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân trên địa bàn.
Ba là huy động tốt các nguồn lực của địa phương. Huyện cần đẩy mạnh vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động, tăng cường huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp khác.
MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các ngành liên quan phát động quyên góp hỗ trợ người nghèo; tổ chức tiếp nhận, quản lý và sử dụng Quỹ Vì người nghèo bảo đảm đúng quy định và hiệu quả; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, chung tay góp sức chăm lo, giúp đỡ người nghèo.
Bốn là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện giảm nghèo bền vững. Việc kiểm tra, giám sát nhằm mục đích chung là đánh giá việc thực hiện giảm nghèo trên địa bàn huyện. Trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiệm vụ thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình để làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo giai đoạn 2022 - 2025.
Qua việc kiểm tra, giám sát phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo, cận nghèo tại các xã, thị trấn; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, từ đó sẽ mang lại hiệu quả trong thực hiện giảm nghèo bền vững ở huyện Hòa Bình.
Huỳnh Thanh Tân