Đời sống - Xã hội
Hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Khmer
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho hộ Khmer nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh còn chú trọng công tác đào tạo nghề giúp bà con Khmer tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống…
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Lợi giải ngân vốn vay phát triển sản xuất cho đồng bào Khmer trên địa bàn huyện.
Trao “cần câu”
Với phương châm “trao cần câu không trao xâu cá”, các cấp chính quyền - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào Khmer.
Đơn cử như huyện Hồng Dân đã tích cực đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ hộ nghèo cải thiện thu nhập. Nhiều mô hình giảm nghèo của huyện đã chứng minh tính hiệu quả, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Điển hình như mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình luân canh tôm - lúa, cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng màu, phát triển nghề đan lục bình, sợi nhựa để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, qua đó đã giúp nhiều hộ Khmer cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững. Chị Thị Thu (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) cho biết: “Nhờ tham gia lớp học đan đát sợi nhựa rồi nhận hàng về làm lúc nông nhàn nên tôi đã có thêm thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng, từ đó cuộc sống cũng dễ thở hơn”. Cùng với việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện còn hỗ trợ các làng nghề mở rộng sản xuất để tạo việc làm cho người dân. Với 3 làng nghề sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc, làng nghề rèn, dệt chiếu đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động nông thôn, với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng...
Từ việc thực hiện những chính sách của Đảng, Nhà nước không chỉ giúp người dân chí thú làm ăn, thực hành tiết kiệm, mà còn thay đổi cả tập quán, thói quen canh tác lạc hậu trước đây khi bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hồng Dân đang quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2025, hộ nghèo bình quân giảm còn dưới 1%. Trong đó, hộ nghèo vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 1%. Theo đồng chí Danh Thuộc - Bí thư Chi bộ ấp Đầu Sấu Đông (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân), trước đây ấp Đầu Sấu Đông có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo gần như nhiều nhất xã, nhưng từ khi được hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, tham gia các lớp đào tạo nghề và có việc làm ổn định… thì đời sống kinh tế của bà con trong ấp đã phát triển rõ rệt.
Lớp dạy đan dây nhựa cho phụ nữ huyện Hồng Dân. Ảnh: C.L
Từng bước nâng cao mức sống
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn để Bạc Liêu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là trên 235 tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách Trung ương trên 205 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 9,7 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 195 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương là 30,7 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển gần 1,5 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 29,2 tỷ đồng).
Từ nguồn vốn này, tỉnh đã đầu tư thực hiện nhiều dự án, mang lại những gam màu sáng cho vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Trong đó, xây dựng, nhân rộng 100 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đảm bảo 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh...
Có thể nói, trong thời gian qua, những chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Bạc Liêu đã phát huy hiệu quả, nhiều hộ Khmer ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện thoát nghèo. Cuộc sống của bà con Khmer hôm nay được đổi thay từng ngày đã minh chứng cho việc triển khai thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Chí Linh
- Kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Khuyến học Võ Văn Kiệt tỉnh Bạc Liêu
- Nghị quyết 68: Vận hội mới cho kinh tế tư nhân bứt phá
- Những bài học “soi lối” cho báo chí cách mạng phát triển đúng hướng
- Bế mạc Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Luật BHXH 2024: Người từ 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí
- Website việc làm công nhân hôm nay