Đời sống - Xã hội
Hỗ trợ đồng bào Khmer ổn định sinh kế bền vững
Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, bộ mặt phum, sóc cũng đổi thay tích cực. Đó là kết quả từ cách làm sáng tạo trong việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho vùng có đông đồng bào Khmer và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của chính bà con trong lao động, sản xuất.
TRAO CẦN CÂU, KHÔNG TRAO XÂU CÁ
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển dài hơi cho vùng có đông đồng bào Khmer. Bên cạnh các chính sách chung, với phương châm “trao cần câu chứ không trao xâu cá”, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế của địa phương mình, tạo sinh kế, mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào Khmer.
Ngoài những chính sách chung, đồng bào Khmer ở vùng khó khăn của huyện Hồng Dân còn được thụ hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù, như: Nhà ở, dạy nghề, học nghề ngắn hạn, vay vốn thoát nghèo, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cải thiện sinh kế... Ông Danh Tường (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của nhiều bà con Khmer còn khó khăn lắm. Do ít đất sản xuất, nghề nghiệp không ổn định, mọi người chủ yếu đi làm thuê đắp đổi qua ngày. Thế nhưng, những năm gần đây, nhờ các địa phương và ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện về nguồn vốn, hỗ trợ con giống, mở lớp dạy nghề, giải quyết việc làm…, đã giúp đời sống bà con nơi đây được cải thiện đáng kể, nhất là nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo. Những hộ được Nhà nước quan tâm tiếp sức đều nỗ lực làm ăn, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại”.
Đánh thức tiềm năng của địa phương và khai thác hiệu quả các nguồn lực là cách mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện để giúp bà con Khmer giảm nghèo bền vững. Những nghề truyền thống của bà con Khmer như: đan đát, rèn, dệt chiếu, nghề mộc… được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Nhờ đó, giúp nhiều bà con Khmer giữ gìn được nghề truyền thống của gia đình và sống được với nghề. Để hỗ trợ bà con phát triển nghề truyền thống, nhiều địa phương còn hình thành các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) với bộ khung hoàn chỉnh, quy hoạch vùng nguyên liệu và hỗ trợ bà con trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, vừa kết hợp với du lịch, đời sống của bà con ngày một đổi thay.
Xã viên Hợp tác xã Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) thu hoạch nghêu. Ảnh: C.L
HIỆU QUẢ TỪ NHỮNG CÁCH LÀM SÁNG TẠO
Không chỉ riêng huyện Hồng Dân, đời sống của đồng bào Khmer ở huyện Hòa Bình cũng đã khởi sắc trong nhiều năm gần đây nhờ việc triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù của Chính phủ, các bộ, ngành dành cho đồng bào Khmer. Đặc biệt là mô hình hỗ trợ vốn và tạo điều kiện để bà con Khmer tham gia vào các THT, HTX trên địa bàn. Điển hình như HTX Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) hiện có 220 thành viên là đồng bào Khmer. Trung bình mỗi lao động có thu nhập từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày, đặc biệt, vào mùa cao điểm thu hoạch nghêu, thu nhập của lao động tăng lên từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày. Chị Thạch Thị Hồng (ấp Vĩnh Kiểu, xã Vĩnh Thịnh) phấn khởi: “Kinh tế gia đình tôi và nhiều hộ lân cận ổn định hơn trước rất nhiều nhờ sự quan tâm của địa phương cũng như sự hỗ trợ từ phía HTX. Nhờ vậy, gia đình tôi không phải bỏ quê đi làm ăn xa mà vẫn có nguồn thu ổn định để trang trải cuộc sống gia đình”.
Nhằm giúp bà con Khmer thoát nghèo bền vững, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, trong đó phải kể đến phong trào “Phát huy nguồn lực, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững” của Hội LHPN; Hội Cựu chiến binh có phong trào “Cần, kiệm thoát nghèo, nâng cao mức sống”, huy động nguồn lực, hỗ trợ hộ nghèo về giống, vốn, ngày công; thành lập quỹ đồng đội giúp nhau không lãi suất… của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh.
“Các chương trình, chính sách nêu trên đã và đang phát huy hiệu quả. Đặc biệt, ngoài việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì hiện nay, ở nhiều địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, bà con đã thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu chuyển sang phương thức sản xuất mới, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình, nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu”, ông Trịnh Thanh Phong - Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, cho biết.
Không còn là những phum, sóc nghèo khó, lạc hậu, thay vào đó, vùng có đông đồng bào Khmer ngày càng khang trang, hiện đại, kinh tế ổn định, nhiều hộ đang vươn lên khá giả. Chính sách của Ðảng và Nhà nước về chăm lo đời sống đồng bào Khmer cùng sự phấn đấu vươn lên của bà con đã phát huy hiệu quả, từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng thêm gắn bó, niềm tin vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước ngày càng được củng cố...
Chí Linh
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới