Đời sống - Xã hội
Hãy xem rác là tài nguyên!
Có thể nói, quản lý chất thải sinh hoạt là một trong những vấn đề khó khăn của nhiều địa phương hiện nay. Do vậy, việc nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong việc quản lý rác thải và tái sử dụng rác thải phải được xem là giải pháp hàng đầu.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) phát động thực hiện mô hình "Nhà sạch, vườn xanh".
ÁP LỰC TỪ RÁC THẢI
Theo thống kê của ngành Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), chất thải rắn sinh hoạt thông thường ở đô thị phát sinh trên 257 tấn/ngày, nhưng tỷ lệ thu gom ở đô thị chỉ đạt khoảng 90%. Riêng khu vực nông thôn, lượng rác thải ít hơn với khoảng 128 tấn/ngày và tỷ lệ thu gom chỉ đạt khoảng 60%. Điều đáng nói, hình thức xử lý chủ yếu ở khu vực nông thôn là tập trung ở bãi chôn lấp rác, phần còn lại nằm rải rác trong khu dân cư hoặc ủ phân compost hay đốt.
Lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều nhưng toàn tỉnh hiện chỉ có 16 xe tải chuyên dụng thu gom trên tuyến đường chính và vận chuyển về bãi chôn lấp. Ngoài ra, còn nhiều phương tiện vừa và nhỏ thu gom trong hẻm và những vị trí xe tải không vào đến nơi được. Đối với khu vực nông thôn, đã có 34% xã, thị trấn thành lập hợp tác xã, tổ dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện thu gom rác sinh hoạt, chất thải và vận chuyển về bãi chôn lấp tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để xử lý.
Theo quy hoạch về quản lý chất thải rắn, tỉnh Bạc Liêu hiện có 6 khu xử lý chất thải rắn tập trung và chủ yếu là bãi chôn lấp. Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, các bãi chôn lấp dần xuống cấp và công nghệ xử lý lạc hậu đã không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Do vậy, việc phát sinh nước thải, khí thải hằng ngày ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nguồn nước mặt, không khí cục bộ đã trở thành vấn đề báo động.
Cùng với rác thải sinh hoạt, khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như: kim loại, nhựa, cao su... cũng khá lớn. Đến nay, trên toàn tỉnh có 5.248 tấn chất thải công nghiệp thông thường phát sinh, trong đó, phát sinh ở khu công nghiệp Trà Kha trên 4,03 tấn, còn lại nằm ngoài khu công nghiệp. Tất cả chất thải rắn công nghiệp đều được thu gom và xử lý triệt để.
Trong khi đó, chất thải rắn nông nghiệp thông thường là chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như: trồng trọt (thực vật chết, tỉa cành, làm cỏ,...), thu hoạch nông sản (rơm, rạ, trấu, cám, lõi ngô, thân ngô), bao bì đựng phân bón, các chất thải ra từ chăn nuôi, giết mổ động vật, chế biến sữa, chế biến thủy sản… cũng thải ra môi trường một lượng lớn rác thải và tác động tiêu cực đến môi trường.
Nông dân tái sử dụng rơm rạ làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: K.T
CẦN NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH HAY
Một trong những khó khăn trong quản lý, xử lý rác thải hiện nay chính là trên địa bàn tỉnh không có cơ sở tái chế chất thải công nghiệp thông thường nên phải hợp đồng với các công ty ở tỉnh khác để xử lý. Trong khi đó, chất thải rắn công nghiệp thông thường có thể sử dụng tái chế thành các sản phẩm mới hoặc thu hồi vật liệu. Cách thu gom và xử lý các loại chất thải này được tiến hành như các loại chất thải rắn thông thường. Vì vậy, cần khuyến khích các công trình, dự án hay các sáng chế tái sử dụng lại nguồn rác thải này, nhằm làm giảm lượng rác thải trực tiếp ra môi trường.
Đối với sản xuất nông nghiệp, vào những ngày thu hoạch, lượng rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác phát sinh rất nhiều. Đặc biệt, ở các vùng có diện tích canh tác lớn, lượng chất thải nông nghiệp từ trồng trọt chiếm đa số và lượng rơm rạ được xử lý bằng cách đốt, chôn lấp hoặc đổ trực tiếp ra các kênh nội đồng. Trong khi lượng rơm rạ này hoàn toàn có thể sử dụng làm thức ăn cho động vật, thủy sản, ủ phân hữu cơ hay phát triển các mô hình trồng nấm rơm, hoặc phục vụ cho sản xuất rau màu bằng việc trải trên các luống rẫy để giữ hạt, tăng độ phì nhiêu cho đất…
Qua đó cho thấy, để giải quyết các khó khăn trong việc quản lý, xử lý rác thải, ngoài việc xem rác thải là “tài nguyên” để tái sử dụng lại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng cần khuyến khích và nhân rộng các mô hình quản lý rác thải gắn với xây dựng nông thôn mới xanh - sạch - đẹp ở nhiều địa phương hiện nay. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Về lâu dài, tăng cường đầu tư xây dựng các lò và các phương pháp xử lý rác thải tập trung có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường gắn với tái sử dụng lại được nguồn rác thải.
KIM TRUNG
- Kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Khuyến học Võ Văn Kiệt tỉnh Bạc Liêu
- Nghị quyết 68: Vận hội mới cho kinh tế tư nhân bứt phá
- Những bài học “soi lối” cho báo chí cách mạng phát triển đúng hướng
- Bế mạc Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Luật BHXH 2024: Người từ 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí