Hạnh phúc của những gia đình đặc biệt

Thứ Hai, 27/06/2022 | 17:00

Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ này, hạnh phúc gia đình cũng muôn hình vạn trạng khác nhau. Trong đó, có nhiều gia đình tuy không có được hạnh phúc tròn vẹn vì khuyết chồng hoặc vợ, khiếm khuyết về thân thể nhưng họ cũng đã viết nên những câu chuyện đẹp, đặc biệt giữa đời thường!

Những tờ giấy khen của các con là động lực giúp cô Thạch Thị Kim Hoa vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Dốc lòng lo cho con ăn học

Có người cho rằng, một gia đình hạnh phúc là gia đình có đủ cha đủ mẹ, con cái hiếu thuận ngoan hiền, đời sống đủ ăn đủ mặc. Thế nhưng, vì một số lý do, có mái ấm vắng hẳn bàn tay người cha hoặc người mẹ. Tuy chỉ còn một mình nhưng họ vẫn  dốc lòng nuôi dạy con nên người. Trong số đó có tấm gương của cô Thạch Thị Kim Hoa (53 tuổi, ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu).

Trong một đêm mưa gió tầm tã, người chồng nhẫn tâm bỏ đi khi cô Hoa còn đang nằm viện với đứa con thứ hai vừa mới tượng hình được hơn 3 tháng. Sinh con ra trong nghèo khổ, nhưng cô chưa một lần than trách số phận, không gục ngã mà kiên cường đứng lên, mang “hai vai” người mẹ lẫn cha chăm lo cho con. Để có tiền nuôi 2 con ăn học, cô làm nhiều nghề nặng nhọc, từ vác lúa, dặm lúa mướn đến đào đất… Sợ cảnh “cha dượng”, “con riêng”, cô Hoa quyết tâm không đi thêm bước nữa. Mỗi năm học trôi qua, những tấm giấy khen của các con chính là động lực để cô vượt qua mọi mệt mỏi của cuộc sống đời thường. Thương mẹ, 2 đứa con của cô rất chăm ngoan học giỏi, hiếu thảo. Hiện người con trai lớn đã học hết năm thứ năm và người con gái thì chuẩn bị bước qua năm thứ tư khoa Y Dược - Trường đại học Trà Vinh.

Do lao động nhiều dẫn đến lao lực nên 2 năm qua, sức khỏe cô Hoa yếu dần không thể làm công việc nặng. Khâm phục nghị lực của người mẹ, sự vượt khó, học giỏi của 2 người con nên họ hàng, xóm giềng thường xuyên giúp đỡ khi thì gạo, lúc thì tiền. Chính quyền xã Vĩnh Trạch cũng tạo mọi điều kiện giúp cô tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, xã còn vận động mạnh thường quân tặng học bổng để đỡ đần gánh nặng cho người mẹ nghèo. “Không bao lâu nữa, các con được ra trường, hoàn thành tâm nguyện của gia đình là trở thành người thầy thuốc chăm lo sức khỏe cho Nhân dân. Nhìn các con đều thành nhân, đó chính là món quà vô giá bù đắp lại tất cả công lao của tôi”, cô Hoa hãnh diện sẻ chia.

Nhà không có đất sản xuất, bản thân lại là người khuyết tật, nay ốm mai đau, ấy vậy mà chú Nguyễn Ngọc Hận (53 tuổi, ấp Cai Điều, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) đã vượt qua rào cản bản thân chăm lo 2 đứa con học hành đến nơi đến chốn.

Để có tiền lo cho con ăn học, ngày ngày vợ chồng chú Hận làm đủ mọi nghề từ phụ hồ, dặm lúa, quay lu, chậu… Không phụ lòng cha mẹ, cả hai đều thi đậu vào Trường đại học Cần Thơ, hiện đứa con gái lớn đã ra trường và đang làm việc cho công ty tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh;  người con trai nhỏ đang theo học khoa Công nghệ thông tin năm thứ ba. “Vợ chồng tôi thất học, bản thân tôi lại là người khuyết tật, cuộc sống khổ sở quá nhiều nên quyết tâm lo cho con ăn học thành tài để chúng có tương lai tươi sáng và trở thành người hữu dụng cho xã hội”, chú Hận sẻ chia.

 Chú Nguyễn Ngọc Hận chuẩn bị đồ nghề đi làm. Ảnh: T.Q

Hạnh phúc giản đơn của những gia đình khuyết tật

So với người bình thường thì tình yêu của những người khuyết tật luôn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Thế nhưng bằng nghị lực và ý chí khắc phục khó khăn, họ đã vượt qua mọi thử thách và cùng nhau vẽ lên bức tranh gia đình ấm êm, tròn vẹn.

Ngay từ khi sinh ra, chị Trịnh Mộng Nghi (32 tuổi, huyện Đông Hải) chưa từng được nhìn thấy ánh sáng. Năm 2011, chị lên Hội Người mù tỉnh tham gia các lớp học nghề, học chữ, học đàn ca. Từ một cô gái nhút nhát, e dè, mặc cảm, nay chị đã trở thành thành viên năng động của Hội. Chị đứng ra dạy chữ nổi, dạy bấm huyệt... cho các hội viên khác. Tại đây, chị đã gặp lương duyên của cuộc đời mình, anh cũng là thành viên của Hội. Hai người nên duyên chồng vợ và cùng sinh sống tại Hội, một thời gian sau, chị mang thai và sinh ra một bé gái bụ bẫm với đôi mắt sáng, to tròn. Do bản thân không nhìn thấy, nên việc chăm sóc con nhỏ gặp nhiều khó khăn, hai vợ chồng đành gửi con nhờ ông bà chăm sóc, đến cuối tuần mới bắt xe về thăm con. Công việc bấp huyệt, massage tuy thu nhập không nhiều nhưng cũng giúp hai vợ chồng trang trải cuộc sống hằng ngày và có điều kiện nuôi con ăn học.

Chúng tôi cũng không khỏi cảm phục khi chứng kiến nghị lực sống của đôi vợ chồng khuyết tật Nguyễn Minh Đát - Trần Hồng Như (ấp 3, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long). Do đều bị khuyết tật, không lao động nặng được, lại thuộc diện đặc biệt khó khăn nên chính quyền xã đã giúp vợ chồng anh chị vay vốn mở gian hàng tạp hóa tại nhà. Ngoài bán tạp hóa, chị Như có thêm nghề may, còn anh Đát thì ngày ngày chạy chiếc xe 3 bánh đi bán vé số. Công việc này giúp gia đình có cuộc sống ổn định và lo cho 2 đứa con học hành. Anh Đát cho rằng: “Dù tật nguyền, lại hay đau bệnh, song chúng tôi phải cố gắng nuôi sống bản thân để không là gánh nặng của xã hội”.

Trong cuộc sống, mỗi người một số phận, mỗi gia đình một hoàn cảnh, nhưng nếu nỗ lực vượt lên thì niềm vui, hạnh phúc sẽ đong đầy. Và câu chuyện về những người mẹ, người cha, những người khuyết tật đã minh chứng: hạnh phúc gia đình không ở đâu xa mà đến từ những điều giản dị, gần gũi và bình thường nhất!

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.