Đời sống - Xã hội
Hạn chế tai nạn trong sản xuất nông nghiệp: Cần nhất là ý thức của nông dân
Dị ứng da, khó thở, đường hô hấp bị tổn thương do máy móc, nông cụ và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… là những căn bệnh thường gặp của nông dân. Thế nhưng, phần lớn nông dân vẫn không mấy quan tâm đến khuyến cáo của ngành chức năng trong thực hiện an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Theo thống kê, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 70% lực lượng lao động của cả nước và sản xuất ra nhiều sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, người nông dân hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn và sức khỏe có liên quan đến lao động nông nghiệp. Bên cạnh sự ảnh hưởng sức khỏe từ thuốc BVTV, cơ giới hóa nông nghiệp, nhiều nông dân còn phải tự mày mò cách sử dụng, sửa chữa máy móc bị hỏng hóc… cũng làm gia tăng tỷ lệ thương vong trong lao động.
Anh T.Q.K kể: “Mùa trước thấy cỏ bờ ruộng qua mấy trận mưa mọc mù mịt nên tôi mua thuốc khai hoang về xịt, khi xịt được hơn nửa bình thì tôi bị chóng mặt, khó thở. Thấy không ổn, tôi bỏ bình thuốc xuống, chạy ra bờ kênh rửa mặt rồi ngồi đó cả buổi mới đứng dậy đi được. Nếu bữa đó mà tôi cố xịt thêm chút nữa thì không biết tính mạng của mình sẽ như thế nào!”.
Người dân ở huyện Hòa Bình phun thuốc khai hoang diệt lục bình trên sông nhưng không sử dụng đồ bảo hộ lao động. Ảnh: C.L
Qua câu chuyện của anh K. cho thấy, công tác bảo hộ lao động trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết nhưng không dễ thực hiện. Bởi, nguyên nhân quan trọng là nhận thức của người dân về vấn đề này còn nhiều hạn chế và xem nhẹ. Người nông dân không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân như khẩu trang, găng tay khi tiếp xúc với thuốc BVTV; vứt bỏ chai, bao chứa thuốc lung tung ngoài ruộng, dù hiện nay trên các cánh đồng đều có bố trí các hố chứa bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng. Lượng thuốc BVTV sử dụng vượt mức khuyến cáo, phần lớn máy móc, thiết bị nông nghiệp đưa vào sử dụng thiếu các bộ phận che chắn an toàn. Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, hơn 35% số người sử dụng thuốc BVTV cả nước không hề đọc nhãn thuốc, 94% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn mà dùng theo cảm tính, mua và phun tùy tiện. Trong khi đó, công tác tuyên truyền về ATVSLĐ trong nông nghiệp cũng chưa thật sự sâu rộng đến nông dân. Trên thực tế, số nông dân được tập huấn về sử dụng thuốc BVTV chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thêm vào đó, những chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề ATVSLĐ trong nông nghiệp chưa đầy đủ cũng là nguyên nhân của tình trạng trên.
Ông Trần Văn Thân (huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Máy móc đưa vào đồng ruộng thay thế sức người, giải phóng sức lao động cho nông dân là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, việc tập huấn như thế nào, vận hành máy móc ra sao thì không mấy người quan tâm. Hiện phần lớn nông dân sử dụng, vận hành máy móc theo kiểu truyền miệng, học hỏi nhau. Do vậy, những tai nạn thương tâm như bị dây cua-ro chèn đứt ngón tay khi khởi động máy; tay quay văng vào mặt; máy tuốt hút tay vào ổ máy… xảy ra khá phổ biến tại khu vực nông thôn”.
Để giải quyết tình trạng trên, cùng với công tác tuyên truyền, cần tăng cường các biện pháp tổ chức quản lý, thanh - kiểm tra về ATVSLĐ trong nông nghiệp. Đồng thời, tiến hành bổ sung quy định, chính sách về ATVSLĐ cho nông dân. Điều quan trọng là để hạn chế tai nạn lao động, ý thức tự bảo vệ của nông dân vẫn là yếu tố hàng đầu.
CHÍ LINH
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025