Giữ hồn nghề truyền thống

Thứ Sáu, 31/03/2023 | 16:01

Thời đại 4.0, máy móc, công nghệ phát triển nhưng có nhiều người vẫn lưu giữ, kế thừa những nghề truyền thống như: làm bánh, làm nhang, rèn, mộc... bằng phương thức sản xuất thủ công. Tuy vất vả, năng suất không cao nhưng chất lượng không thua kém các sản phẩm được sản xuất bằng máy, được nhiều khách hàng tin dùng.

Ông Đặng Văn Nhàn với công đoạn phơi nhang.

Giữ lửa nghề xưa

Tuy đến với nghề một cách tình cờ, song từ nghề làm nhang đã giúp gia đình ông Đặng Văn Nhàn (khóm 5, Phường 2, TP. Bạc Liêu) có cuộc sống đủ đầy. Trước đây, khi còn làm nghề tài xế, trong những lần xa nhà ông có dịp ghé qua những chỗ làm nhang. Từ việc tò mò với cái nghề mới lạ, rồi dần thấy thích và tìm hiểu, học làm theo. Sau vài lần làm thử nghiệm và cảm nhận được thế nào là “nghề chọn người”, từ những mẻ nhang ban đầu, thất bại có, thành công có, càng gắn bó, ông càng thêm yêu nghề. Nghề không phụ lòng của người yêu mến và gìn giữ nó, sau hơn 10 năm theo nghề, sản phẩm nhang do ông Nhàn làm ra được thị trường đón nhận bởi đẹp mắt, có hương thơm tự nhiên, giá cả phải chăng.

Để có sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng, ông Nhàn đích thân lên TP. Hồ Chí Minh mua nguyên liệu. Trong các công đoạn làm nhang, trộn bột là công đoạn quan trọng nhất, bột phải mịn mới làm ra cây nhang đẹp, bóng. Nếu pha trộn không đúng cách thì nhang rất dễ vỡ, không thơm, mau tàn, cháy không đều, cháy không hết.

“Nghề làm nhang mặc dù có sự hỗ trợ của máy móc nhưng ở một số công đoạn vẫn phải cần làm thủ công. Phơi nhang tưởng dễ nhưng thật ra rất khó vì phải trở thường xuyên cho đều nắng; phơi đủ nắng mới bảo quản được lâu, nhưng nếu phơi quá nắng thì thân nhang bị cong, không đẹp. Còn nếu trời mưa mà không thu gom kịp, bột nhang rã là coi như lỗ”, ông Nhàn chia sẻ. Hiện trung bình mỗi ngày gia đình ông làm ra khoảng 15.000 - 20.000 cây nhang, phân phối chủ yếu trong tỉnh.

Vợ chồng ông Trần Đình Thới chuẩn bị bánh giao cho khách. Ảnh: T.Q

Đậm đà hương vị truyền thống

Tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, vợ chồng ông Trần Đình Thới (khóm 8, Phường 3, TP. Bạc Liêu) phát triển thêm một số loại bánh như: bánh khéo, pa-tê nhân thịt… góp phần thăng hoa vị ngon các loại bánh đậm hương vị xưa. Nỗ lực của vợ chồng ông đã mang về những thành quả ngọt ngào như chiếc bánh đã làm ra.

Theo ông Thới, để có chiếc bánh ngon, đẹp mắt với lớp vỏ giòn, xốp là do bánh được nướng bằng lò cát. Độ nóng của cát lưu lâu, giúp bánh chín đậm, màu vàng đều và hương vị thơm ngon hơn so với các lò nướng hiện đại khác. Ngoài ra, phần bột và nhân bánh được ông pha chế, ướp theo công thức gia truyền nên mùi vị, hương thơm cũng khá đặc biệt so với chiếc bánh cùng loại do người khác làm ra.

Nỗ lực giữ gìn và phát triển nghề, tiếng tăm bánh ngon của vợ chồng ông Thới được nhiều người biết đến. “Còn sức là vợ chồng tôi còn gắn bó với nghề này, phần vì bánh là nguồn kinh tế nuôi sống gia đình, phần khác đây là một trong những món bánh truyền thống quê hương do cha mẹ truyền lại. Và tôi đang truyền nghề lại cho con, mong các con sẽ tiếp nối nghề truyền thống của gia đình để hương vị bánh dân gian còn lưu mãi và ngày càng phát triển”, ông Thới trải lòng.

Hiện đã bước vào kỷ nguyên 4.0, máy móc dần thay thế sức người tạo nên những sản phẩm hiện đại để phù hợp với nhu cầu xã hội. Thế nhưng, trong nội ô TP. Bạc Liêu vẫn còn nhiều nghề truyền thống được hậu nhân kế thừa, phát triển như: nghề làm nước tương, xì dầu, bánh in, bún, lạp xưởng, bánh bao, nghề mộc, rèn… Nhờ có những người thợ lành nghề, gắn bó thủy chung với nghề như ông Nhàn, ông Thới nên nghề truyền thống vẫn tồn tại, góp phần tạo sự phong phú, đa dạng hơn cho cuộc sống.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.