Đời sống - Xã hội
Đừng để sập bẫy mua bán người vì nhẹ dạ
Tính đến ngày 21/9, Việt Nam đã phối hợp với Campuchia giải cứu hơn 1.000 công dân bị môi giới lao động bất hợp pháp tại Campuchia và hỗ trợ làm thủ tục cho hàng ngàn công dân khác. Trên thực tế, tội phạm mua bán người (MBN) hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Với đủ các chiêu thức lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”, không ít người Việt Nam, trong đó có công dân tỉnh Bạc Liêu đã “sập bẫy” của bọn tội phạm MBN. Giấc mơ kiếm tiền nơi đất khách tan thành mây khói, nhiều gia đình còn khốn đốn vay nợ, bán đất để chuộc con về, nhưng không phải ai bị lừa bán cũng may mắn trở về nguyên vẹn…
Chính quyền địa phương thăm hỏi em L. (thứ hai từ phải sang) sau khi được giải cứu.
Nước mắt ngày trở về
Chỉ vì tin lời dụ dỗ giới thiệu “việc nhẹ, lương cao” mà nhiều bạn trẻ tại Bạc Liêu bị tội phạm buôn người thông qua mạng Internet lừa đảo, dẫn dụ sang Campuchia làm việc, rồi buộc gia đình phải chuyển hàng trăm triệu đồng để chuộc về.
Sau nhiều tháng không tìm được việc làm, em T.N.L (19 tuổi, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) tham khảo tuyển dụng lao động trên app tìm việc và được một nick Zalo tên Kiều Duyên làm quen, hứa hẹn giới thiệu công việc đánh máy vi tính với mức lương đáng mơ ước là 2.000 USD/tháng. Nghe quá hấp dẫn, L. đã đăng ký ứng tuyển và ngay lập tức được chọn. Nghe theo sự hướng dẫn của Duyên, L. khăn gói lên TP. Hồ Chí Minh, vào khách sạn đợi. Chỉ vài tiếng sau, đã có xe 16 chỗ đến đón L. cùng nhiều người khác theo đường mòn xuyên biên giới qua Campuchia.
Sau hơn 10 ngày mất liên lạc với gia đình, L. được yêu cầu thông báo đã bị lừa bán sang Campuchia và buộc gia đình chuyển 62 triệu đồng tiền chuộc. Nếu trễ 1 ngày, tiền chuộc tăng thêm 20 triệu đồng và sẽ bị đánh đập, tra tấn. Nghe tin dữ, vợ chồng ông Đ. (cha mẹ của L.) như ngồi trên đống lửa, vì đối với gia đình nông dân làm quần quật cũng chỉ đủ ăn thì số tiền kia quá lớn, vả lại trong thời gian ngắn, gia đình L. không biết kiếm đâu ra. May mắn thay, biết được tình cảnh này, một người hàng xóm tốt bụng cho cha mẹ L. mượn 55 triệu đồng. Có tiền, vợ chồng ông Đ. vội vàng tìm cách chuyển tiền vào tài khoản đối tượng yêu cầu rồi tức tốc bắt xe lên cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Tại đây vợ chồng ông nhờ người quen và một người xe ôm tốt bụng hỗ trợ đón con trai về.
“Từ khi em qua bên đó thì nick Kiều Duyên cũng chặn liên lạc hoàn toàn với em. Bọn lừa đảo cố tình đưa ra những phần việc khó, trong khi chúng em chưa rành lắm về máy vi tính. Thế là chúng nó đổi địa điểm liên tục, bán em từ nơi này qua nơi khác, nhốt tụi em lại rồi tra tấn tinh thần, buộc em liên lạc với người nhà chuyển tiền chuộc. Người nào không được gia đình gửi tiền chuộc sẽ bị tra tấn, đánh đập dã man, nghe nói rất nhiều người đã bị tra tấn đến chết hoặc tự vẫn vì không chịu nổi áp lực. Em may mắn hơn họ, do được người nhà chuộc về trong thời gian sớm nên không bị tra tấn, hành hạ thân thể”, L. chia sẻ.
Tuy đã về nhà được vài tháng nhưng nỗi ám ảnh nơi đất khách cứ lởn vởn trong tâm trí, nên L. vẫn còn nhút nhát, ngại tiếp xúc. Hiện tại, em cùng cha lên TP. Hồ Chí Minh làm phụ hồ để có tiền trả lại số tiền chuộc thân khỏi “hang quỷ” nơi xứ người.
Em V.H (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) cũng là một trong số những nạn nhân được may mắn trở về nhà an toàn. Sau 5 tháng lưu lại tại đất nước Campuchia, đến ngày 12/9, được sự giúp đỡ của lực lượng chức năng Campuchia, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Bộ đội Biên phòng Bạc Liêu, V.H đã được giải cứu trao trả về địa phương.
V.H kể, do không có việc làm, em đã liên hệ với một người bạn và được giới thiệu việc làm với mức lương rất cao. Khăn gói lên đường, V.H không ngờ mình bị lừa bán sang Campuchia bằng con đường vượt biên. “Em không nghĩ mình còn có thể được về nhà. Quả thật thời gian qua rất khủng khiếp. Được đoàn tụ với gia đình em như sống lại lần thứ hai và không bao giờ nhẹ dạ cả tin nữa”, V.H nghẹn ngào chia sẻ.
Theo Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 7 nạn nhân bị mua bán trở về. Cụ thể, TX. Giá Rai có 3 người, huyện Vĩnh Lợi là 2 người và TP. Bạc Liêu, huyện Hồng Dân mỗi địa phương 1 người. Trong đó, có gia đình phải cầm cố đất đai, nhà cửa nộp tiền chuộc lên đến 260 triệu đồng. Các nạn nhân trở về đã ổn định tâm lý, được hỗ trợ các chính sách theo quy định. Hiện vẫn còn một số nạn nhân đang kẹt ở nước ngoài, lực lượng chức năng tiếp tục can thiệp, hỗ trợ đưa về quê bằng nhiều biện pháp.
Hai nạn nhân vừa được giải cứu từ Campuchia với số tiền chuộc là 260 triệu đồng. Ảnh: H.Q
Cảnh giác với các chiêu trò lừa gạt
Tình hình tội phạm MBN hiện đang là vấn đề nóng, đòi hỏi sự tham gia ngăn chặn của các ngành, các cấp và nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống từ mọi người dân. Thời gian qua, tình trạng dùng nhiều chiêu trò trên trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram... để môi giới, lừa đảo người lao động đi nước ngoài bất hợp pháp xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước; gần đây bọn tội phạm còn lợi dụng núp bóng các công ty, nhà máy, xí nghiệp để hoạt động. “Để kịp thời ngăn chặn tình trạng người dân bị dụ dỗ, lừa gạt, Sở LĐ-TB&XH vừa phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố gặp gỡ các công ty, nhà máy, xí nghiệp để tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn lừa gạt, lôi kéo đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động bất hợp pháp và tội phạm MBN để các công ty, nhà máy, xí nghiệp chủ động phòng tránh, đồng thời cảnh báo người lao động tại đơn vị”, ông Nguyễn Vũ Phong - Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH, cho biết.
Tìm việc làm là nhu cầu chính đáng của người dân nhằm nâng cao đời sống gia đình. Một bộ phận người dân tự liên hệ, làm thủ tục đi nước ngoài qua môi giới mà không giao dịch trực tiếp với các công ty hay trung tâm dịch vụ việc làm được cấp phép. Bọn lừa đảo đã lợi dụng tình trạng này để “giăng bẫy” những lao động muốn tìm việc tốt, lương cao mà không cần qua thủ tục tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề để tung cú lừa. Chúng thậm chí có những hình thức, thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng mới phát hiện được.
Do đó, để tránh trở thành “con mồi” của tội phạm MBN, người lao động phải tìm hiểu kỹ các thông tin, thủ tục nếu có nhu cầu về xuất khẩu lao động. Hãy lựa chọn đúng địa chỉ, trung tâm dịch vụ việc làm uy tín đã được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép. Không làm việc qua những người tự xưng là môi giới lao động. Đồng thời hãy thật cảnh giác với các chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”; những trang mạng, nick ảo, nhóm tìm việc trên mạng xã hội… để không trở thành nạn nhân tiếp theo của tội phạm buôn người, bị đe dọa, tống tiền và hành hung bạo lực.
Thanh Hải - Tú Quyên
Bằng việc lập trang web, tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) đưa chiêu trò quảng cáo, tuyển dụng người Việt Nam sang nước ngoài (Campuchia, Trung Quốc...) làm việc với mức lương “khủng”, bọn tội phạm buôn người đã lừa không ít người dân thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin. Vì nghe theo lời dụ dỗ, các lao động Việt Nam bị lừa bán sang nước ngoài, bị cưỡng bức lao động hoặc ép buộc làm việc trong các đường dây tổ chức tội phạm đánh bạc, lừa đảo qua mạng.
- Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025: Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững
- Trên 7.000 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, năm học 2025 - 2026
- Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 21/5: Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đóng góp các dự thảo Luật
- Tọa đàm Báo chí Cách mạng Bạc Liêu - Những chặng đường lịch sử vẻ vang
- Họp báo, bốc thăm thi đấu Giải bóng chuyền hơi nữ mở rộng năm 2025