Đời sống - Xã hội
Doanh nghiệp chủ động tăng lương để giữ chân người lao động
Thời gian qua, mặc dù sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19, thế nhưng không chờ đến phương án điều chỉnh lương tối thiểu, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã chủ động tăng lương và cải thiện phúc lợi cho người lao động (NLĐ) để bù đắp khi giá cả leo thang và giữ chân NLĐ.
Tăng lương theo kế hoạch mỗi năm
Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Ngọc Trí (TX. Giá Rai) có 134 lao động, mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tiền lương, công ty còn trả tiền làm thêm giờ, hỗ trợ tiền ăn… do đó, đời sống NLĐ trong công ty tương đối ổn định.
“Là DN chế biến xuất khẩu thủy sản, đa phần NLĐ đều làm việc trong môi trường nặng nhọc, ghi nhận và tri ân những đóng góp của NLĐ, do đó, năm nào đến cuối năm, công ty cũng đều tăng từ 10 - 15% tiền lương cho NLĐ, không chờ tăng theo lộ trình tăng lương của Chính phủ. Đối với các lao động thử việc, hợp đồng ngắn hạn, mức lương tối thiểu chưa đến mức quy định thì công ty sẽ tăng đúng quy định. Tăng lương cho NLĐ chính là tri ân những cống hiến, đóng góp của họ khi đã sát cánh cùng công ty, nhất là trong giai đoạn đầy khó khăn của 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19”, ông Ngô Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Ngọc Trí, cho biết.
Trên thực tế, việc tăng lương tối thiểu không bị ảnh hưởng nhiều đến chi phí hoạt động của DN, bởi việc tăng lương cho NLĐ đều nằm trong kế hoạch hàng năm. Do đó, dù hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn thì các DN vẫn nỗ lực trả lương cho NLĐ với mức lương cao hơn lương tối thiểu để đảm bảo cuộc sống cho NLĐ, đồng thời cũng là biện pháp giữ chân NLĐ.
Ông Cao Chí Nhã - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản xuất khẩu Thiên Phú, chia sẻ: “Năm 2021, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tháng liền công ty “căng mình” hoạt động do thiếu nguyên liệu và lao động. Mặc dù kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn đảm bảo mức lương từ 6 - 10 triệu đồng/tháng cho 400 lao động. Mỗi năm, công ty đều tăng lương cho NLĐ, mức lương tăng ít hay nhiều tùy vào lợi nhuận kinh doanh. Ngoài ra, công ty còn có chế độ xét thưởng cho những lao động có nhiều đóng góp, gắn bó với công ty”.
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản xuất khẩu Thiên Phú. Ảnh: T.Q
Vẫn còn nhiều NLĐ gặp khó
Theo Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2021, đa số các DN trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện tốt quy định về tiền lương, không có trường hợp xảy ra nợ lương của NLĐ. Trong khoảng thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các DN tuy gặp khó khăn nhưng vẫn có giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và thực hiện trả lương đúng quy định cho NLĐ. Đặc biệt, mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện nay đều được các DN áp dụng để thực hiện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ, song trên thực tế, nhiều DN đều trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Riêng 6 tháng qua, để nắm bắt tình hình chi trả lương cho NLĐ, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan chức năng như: BHXH, Liên đoàn Lao động… thành lập đoàn kiểm tra các DN về việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, an toàn - vệ sinh lao động, BHXH và bình đẳng giới tại các DN. Qua kiểm tra, hầu hết các DN đều chấp hành tốt việc chi trả lương cho NLĐ với mức lương cao hơn mức lương tối thiểu, các chính sách chăm lo cho NLĐ được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Mặc dù các DN thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống cho NLĐ, giúp họ có mức lương cao hơn lương tối thiểu theo quy định, thế nhưng trên thực tế, sau đại dịch COVID-19 thì cuộc sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn khi các chi phí thiết yếu như xăng dầu, vật giá... đều tăng, trong khi đồng lương hàng tháng của NLĐ chỉ đủ chi tiêu, khi có phát sinh thêm chi phí từ việc học hành, ốm đau… thì sẽ bị thiếu hụt, cuộc sống trở nên khó khăn.
Chị Huỳnh Thụy Cầm - công nhân Công ty cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau, chi nhánh Bạc Liêu, chia sẻ: “Tôi làm ở bộ phận chế biến thực phẩm với mức lương tối thiểu là 3 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền tăng ca, chuyên cần cũng được 5 - 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, vật giá leo thang, tôi phải chắt bóp, dè sẻn lắm mới không bị thiếu hụt. Nghe thông tin sắp được tăng lương, dù không nhiều nhưng cũng đỡ một phần chi phí trong cuộc sống, tôi vui lắm”.
DN linh hoạt trong việc tăng lương không chỉ hỗ trợ NLĐ mà còn tạo động lực giúp tăng năng suất lao động và giữ chân nguồn nhân lực. Qua đó tạo cơ sở để xây dựng đội ngũ nhân lực lành nghề, góp phần vào sự phát triển của chính DN.
Minh Luân
- Giải Bi sắt vô địch đồng đội quốc gia năm 2025: Bạc Liêu đoạt Huy chương Đồng nội dung đồng đội kỹ thuật nam
- Xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Hợp tác xã Hồng Phát
- Đẩy mạnh bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các đơn vị xã mới thuộc huyện Hòa Bình
- Tọa đàm “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”