Đem nghề đến với phụ nữ nông thôn

Thứ Tư, 17/08/2022 | 17:37

Lao động nữ (LĐN) nông thôn ở Bạc Liêu chiếm số lượng khá đông và chủ yếu là lao động phổ thông. Sau nông vụ, LĐN nông thôn thường không kiếm được việc làm ổn định. Nhằm hỗ trợ chị em phụ nữ, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã và tăng cường phối hợp các trung tâm, doanh nghiệp, cơ sở mở nhiều lớp dạy nghề, giúp chị em cải thiện cuộc sống, tránh tình trạng ly hương, nâng tầm vị thế trong gia đình, ngoài xã hội.

Lao động nữ huyện Phước Long tham gia lớp học đan lục bình. Ảnh: T.Q

Ổn định cuộc sống nhờ có nghề

Theo Hội LHPN huyện Phước Long, để có thu nhập chăm lo cho gia đình, nhiều phụ nữ phải vất vả mưu sinh với nhiều công việc nặng nhọc hoặc ly hương. Do đó, Hội LHPN huyện đã phối hợp, liên kết mở nhiều lớp dạy nghề để chị em có thể kiếm việc và có thu nhập ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà. Qua 8 lớp học nghề đan đát, trên 150 LĐN đã được tạo việc làm tại chỗ, thu nhập bình quân từ 40 - 100 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra, có 58 chị tham gia 2 lớp may công nghiệp và có việc làm ổn định tại Công ty may mặc HP, hiện công ty này đặt hàng sắp tới sẽ tuyển dụng thêm 200 lao động may. Trước nhu cầu “việc tìm người” cao như hiện nay, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục liên kết, phối hợp với các công ty, xí nghiệp, trung tâm dạy nghề, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thị trường, giúp chị em có thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

 “Chỉ mất một thời gian ngắn tham gia lớp nghề đan đát đã giúp những phụ nữ làm nông như chúng tôi có thêm nguồn thu nhập ổn định, trang trải một phần chi phí sinh hoạt trong cuộc sống và có điều kiện lo cho con ăn học đến nơi đến chốn”, chị Lê Thị Em - phụ nữ ấp Phước 3A (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ.

Đối với huyện Hồng Dân, công tác đào tạo nghề, nhất là nghề đan đát lục bình, đan giỏ nhựa cho LĐN cũng đạt hiệu quả cao, giúp nhiều người có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và thoát nghèo. “Từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với cơ sở thủ công mỹ nghệ đan đát Ngọc Diễm tổ chức được 18 lớp dạy nghề đan giỏ nhựa, giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 1.000 LĐN, giúp chị em có thu nhập từ 70 - 150 ngàn đồng/ngày. Nghề đan này rất thoải mái, không bị khống chế thời gian, độ tuổi, ai cũng có thể làm, tạo được nguồn thu nhập cho mình”, bà Võ Ngọc Hiền - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hồng Dân, chia sẻ.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, giúp chị em có thêm kiến thức phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội khảo sát nhu cầu học nghề của LĐN tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp mở lớp dạy nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng. Bên cạnh việc tuyên truyền, giới thiệu việc làm để LĐN nông thôn được tiếp cận, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, lựa chọn cho mình một nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình, các cấp Hội còn thông tin, phổ biến và vận động hội viên, phụ nữ tham gia “Sàn giao dịch việc làm” của tỉnh để tìm cơ hội việc làm phù hợp tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Giải quyết việc làm cho LĐN vừa góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, vừa tạo cơ hội cho chị em nâng cao vị thế trong xã hội, nâng cao năng lực làm chủ kinh tế cho phụ nữ. Với tầm quan trọng đó, thời gian tới, Hội LHPN sẽ phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức dạy nghề, nhất là trong việc tạo ra các sản phẩm có độ tinh xảo, giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển lao động để giới thiệu hội viên vào làm việc. Cùng với đó, Hội phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ thủ tục đăng ký cho các sản phẩm đan đát từ lục bình đạt chuẩn OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.