Công an tỉnh: Tích cực thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”

Thứ Sáu, 10/05/2024 | 15:09

Thời gian qua, Công an tỉnh đã tích cực thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, được các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương và quần chúng nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Công an tỉnh tặng nhà tình thương cho hộ nghèo ở huyện Hồng Dân.

ĐỒNG HÀNH VÀ SÁT CÁNH CÙNG HỘ NGHÈO

Để thực hiện tốt công tác này, trên cơ sở kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giao, Công an tỉnh đã cụ thể hóa thành kế hoạch để triển khai đến Công an các đơn vị, địa phương quán triệt thực hiện. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo Công an tỉnh, trong đó, phân công 1 đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo trong Công an tỉnh.

Với phương châm thực hiện công tác giảm nghèo phải hiệu quả, chống tái nghèo và có sức lan tỏa, hằng năm, Công an tỉnh lựa chọn một địa bàn cấp xã làm điểm chỉ đạo để tổ chức thực hiện an sinh xã hội (ASXH) tập trung, gắn với việc tổ chức các hoạt động Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) để lồng ghép thực hiện công tác giúp đỡ hộ nghèo. Theo đó, trước khi phân bổ chỉ tiêu cho từng đơn vị, địa phương nhận hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, Công an tỉnh sẽ phân công đơn vị chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá nhu cầu, phân loại hộ nghèo theo thành phần dân tộc, tôn giáo… Tiếp theo là lập danh sách, ban hành quyết định phân công đơn vị hỗ trợ, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công tác chuyên môn của từng đơn vị, đảm bảo các hộ gia đình được giúp đỡ, hỗ trợ sẽ được công nhận thoát nghèo bền vững.

Sau khi tiếp nhận số hộ được phân bổ, Công an các đơn vị, địa phương được phân công nhận giúp đỡ hộ nghèo, tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phân công lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ trực tiếp phối hợp với chính quyền địa phương đến từng hộ gia đình để nắm tình hình thực tế về hoàn cảnh gia đình, số lao động chính, nghề nghiệp, nhu cầu vốn, phương tiện sản xuất cần được hỗ trợ… Trên cơ sở đó, thống nhất với gia đình được nhận đỡ đầu về cách thức, biện pháp hỗ trợ phù hợp, thiết thực, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện, giúp đỡ các hộ gia đình tăng gia sản xuất, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Từ kết quả khảo sát, hiệp thương và nhu cầu của từng hộ gia đình, các đơn vị nhận đỡ đầu hộ nghèo sẽ vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia đóng góp để giúp đỡ hộ nghèo.

Công an TP. Bạc Liêu và các tổ chức đoàn thể tặng quà cho học sinh nghèo ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A

XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT

Với những cách làm trên, từ năm 2021 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã nhận giúp đỡ, hỗ trợ 115 hộ nghèo, với tổng số tiền hỗ trợ trên 625 triệu đồng. Đến nay, 100% số hộ này đã được chính quyền địa phương ban hành quyết định công nhận thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh còn thực hiện tốt các mặt công tác ASXH như: xây dựng, sửa chữa 26 cây cầu, 2 tuyến lộ nông thôn; xây dựng, sửa chữa 292 căn nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, nhà tình thương; tặng 262 tấn gạo, trên 144.000 phần quà, tiền và một số vật dụng khác… cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, học sinh nghèo hiếu học, cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn... với tổng trị giá trên 50 tỷ đồng.

Thông qua thực hiện công tác giúp đỡ hộ nghèo, các hoạt động ASXH, Công an các đơn vị, địa phương đã lồng ghép tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thực hiện tốt phong trào TDBVANTQ, tích cực tham gia tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham gia các mô hình “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”; tổ chức tuyên truyền trên 315 cuộc với hơn 1.040 lượt người tham dự; tiếp nhận hàng chục nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an điều tra, khám phá nhiều vụ việc lên quan đến an ninh trật tự (ANTT). Qua đó, góp phần kéo giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương.

Từ những kết quả trên đã tạo điều kiện, hỗ trợ các địa phương thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phường, thị trấn đạt “đô thị văn minh” và xã điển hình về phong trào TDBVANTQ. Đồng thời, thắt chặt hơn mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Công an với cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và Nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ, giúp lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Cũng như, góp phần chung vào việc thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo của UBND tỉnh đã đề ra…

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giúp đỡ hộ nghèo trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo. Xác định công tác giúp đỡ hộ nghèo của Công an là phải làm cho lực lượng Công an gắn bó với dân, từ đó thực hiện một số biện pháp vận động Nhân dân tham gia công tác giữ gìn ANTT. Mặt khác, thông qua công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nền tảng an ninh ở cơ sở, ở từng hộ gia đình khi thoát nghèo thì gia đình đó là người thân, là chỗ dựa của lực lượng Công an trong việc vận động quần chúng.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội, cùng chung tay, chung sức giúp đỡ người nghèo. Từng hộ nghèo nâng cao ý thức tự giác, nỗ lực phấn đấu lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nêu gương người tốt - việc tốt trong lao động sản xuất, vận động Nhân dân đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ hộ nghèo với phương châm “Thương người như thể thương thân”; phê phán những người chây lười lao động, không chịu khó để phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Song song đó, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tích cực vận động, tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo về vốn, phương tiện sản xuất, cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để động viên giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thường xuyên tư vấn, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất - kinh doanh; chú trọng giúp đỡ việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cách thức sử dụng vốn, phương tiện được hỗ trợ hiệu quả và đúng mục đích….

Với mục tiêu phấn đấu giảm hơn 2.270 hộ nghèo trong năm 2024, Bạc Liêu sẽ tiếp tục phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, lồng ghép công tác giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát phân loại từng nhóm hộ nghèo, cận nghèo theo chiều thiếu hụt như: Nhóm hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, nhóm hộ nghèo có lao động không có việc làm, có nhu cầu học nghề hoặc cần tư vấn giới thiệu việc làm; nhóm hộ nghèo không còn khả năng lao động… để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

TRUNG CƯỜNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.