Đời sống - Xã hội
Chung tay xóa nhà tạm
Phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và nhân văn sâu sắc, góp phần mang lại mái ấm cho người bị thiên tai, hỏa hoạn, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cho người nghèo, người yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau, giúp người dân ổn định cuộc sống và có điều kiện thoát nghèo.
Lãnh đạo tỉnh cùng đại diện Bộ Công an bàn giao nhà cho hộ dân gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Phước Long. Ảnh: C.L
Tất cả cùng chung sức
Cùng chung khí thế thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, 2 tháng cuối năm 2024, tỉnh Bạc Liêu triển khai cao điểm thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (gọi tắt là Chương trình) trên địa bàn tỉnh. Qua điều tra khảo sát, tỉnh Bạc Liêu có trên 1.760 hộ cần được hỗ trợ cất nhà, đa số là người già neo đơn, đau ốm, tàn tật, mắc bệnh hiểm nghèo, không có thu nhập ổn định... Mái ấm của họ là những căn nhà xập xệ nguy hiểm, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Vì vậy, một ngôi nhà vững chãi để che mưa, che nắng là nỗi khắc khoải mong chờ của họ.
Đã ngoài 60 tuổi, sống độc thân, bà Phạm Thị Thuyết (xã Long Điền, huyện Đông Hải) là đối tượng yếu thế được bảo trợ của địa phương. Trong đợt 1 của Chương trình, bà Thuyết được địa phương ưu tiên xét hỗ trợ nhà. “Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương mà hôm nay tôi mới có được căn nhà khang trang, ổn định cuộc sống. Tôi rất vui và biết ơn vì giờ đây không còn phải lo chỗ ở nữa, chỉ tập trung làm ăn, phát triển kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn”, bà Thuyết xúc động cho biết.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Chương trình tỉnh Bạc Liêu đã phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Được triển khai thực hiện từ tháng 8/2024, mục tiêu của phong trào là phấn đấu đến năm 2025 xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2024, tỉnh đã vận động và tiếp nhận được trên 100 tỷ đồng từ các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ Chương trình.
Hơn 100 tỷ đồng chỉ hơn sau 2 tháng phát động là con số minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau được xuất phát từ truyền thống quý báu của dân tộc ta được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, bồi đắp từ đời này qua đời khác. Ai có công góp công, ai có của góp của, tất cả cùng chung tay chăm lo cho những mảnh đời còn nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Theo chỉ đạo của tỉnh, việc xây mới, sửa chữa nhà ở phải đảm bảo yêu cầu “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Huy động cán bộ, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người dân chung tay hỗ trợ vật chất, ngày công để tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời thành lập đoàn kiểm tra, giám sát đối với việc huy động, hỗ trợ và thực hiện, đảm bảo chính sách đến từng hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở thuộc diện đối tượng được hỗ trợ.
Những ngày cuối năm 2024, đầu năm 2025 là những ngày lan tỏa niềm vui mừng “tân gia” của những 779 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Bạc Liêu. Đón xuân trong căn nhà mới, hạnh phúc như được nhân đôi vì đây là những căn nhà được xây lên từ nghĩa tình, sự sẻ chia của cộng đồng. Và đó chính là động lực để mỗi hộ gia đình vững tin vươn lên trong cuộc sống.
Với những ý nghĩa thiết thực mang lại cho các hộ gia đình và sự phát triển chung của tỉnh, trong những tháng đầu năm 2025, khi vừa kết thức đợt 1, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình đợt 2. Trong đợt 2 này, Chương trình sẽ triển khai đối với 3 đối tượng, gồm: xây 979 căn nhà mới cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; sửa chữa, xây mới 2.408 căn cho hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng có nhu cầu về nhà ở; hỗ trợ xây 176 căn cho hộ Khmer có hoàn cảnh khó khăn theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dựa trên những kinh nghiệm thực hiện, cũng như kết quả đạt được trong đợt 1, ngay sau tết Nguyên đán, các địa phương đã nhanh chóng triển khai đợt 2 cho các đối tượng.
Ông Trần Văn Út - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Chỉ trong thời gian ngắn, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã lan tỏa thành phong trào rộng khắp, trở thành một “điểm sáng” của công tác giảm nghèo bền vững, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 0,69% vào cuối năm 2024. Không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân, việc làm đầy ý nghĩa nhân văn này còn là động lực để phát huy hơn nữa truyền thống tương thân tương ái, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Thiên Hương