Chênh vênh mưu sinh nơi chân sóng

Thứ Hai, 06/11/2023 | 16:57

Năm nào cũng vậy, mỗi khi vào mùa biển động, triều cường dâng cao là những hộ dân sống ở ven biển, trong những vạt rừng phòng hộ lại thấp thỏm âu lo. Nhất là ở nơi cửa biển, có khá nhiều căn nhà đã xiêu vẹo, chênh vênh sát mép nước có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào do triều cường đã khoét sâu vào nền móng.

Triều cường gây sạt lở khiến nhiều căn nhà chực chờ bị nuốt chửng. Ảnh: T.Q

Nỗi âu lo bên bờ xóm lở

Hai bên tuyến kênh 30/4 (ấp 14, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) thông ra biển có gần 200 căn nhà tạm bợ, sóng xâm thực lở đất sát mép nhà. Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên cảnh báo và yêu cầu các hộ này di dời, song vì nghèo khó, mưu sinh chủ yếu dựa vào biển nên nhiều người vẫn cố gắng bám trụ, bất chấp hiểm nguy.

Không có khả năng mua đất cất nhà kiên cố nên vợ chồng ông Trần Văn Tâm (ấp 14) dùng cây tạp và vài miếng tôn dựng tạm căn nhà ngay cửa biển. Trải qua nhiều trận sóng lớn, phần đất sau nhà bị xói lở dần, đến nay, đã hơn một nửa căn nhà bị “nuốt”, ông Tâm phải dùng cây tạp làm sàn nhà. Mỗi khi trời mưa lớn kèm theo dông lốc, triều cường là vợ chồng ông Tâm phải thức trắng không dám ngủ vì sợ hiểm nguy đến tính mạng.

Ở ven cửa biển Cái Cùng (ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) cũng có hơn 40 hộ với tình trạng tương tự. Nhà cửa xập xệ lại phải thường xuyên đối mặt với tình trạng dông lốc và nước biển dâng nên cư dân sống nơi này ngày đêm luôn sống trong cảnh thấp thỏm lo âu. Ông Tăng Văn Việt - một hộ dân sống tại ven cửa biển Cái Cùng, cho biết: “Tình trạng sạt lở ngày một lấn sâu vào đất liền, áp sát khu dân cư khiến chúng tôi không lúc nào ăn ngủ yên giấc vì sợ nhà bị đổ sập hoặc sóng nuốt bất cứ lúc nào. Ở thì nguy hiểm nhưng nếu chuyển nơi khác thì không biết làm gì để sống vì mấy chục năm nay chúng tôi đã quen với nghề đánh bắt ven bờ”.

Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nên diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, điều dễ dàng nhận thấy nhất là những tháng cuối năm thường xảy ra tình trạng áp thấp nhiệt đới, triều cường dâng cao gây sập nhà, sạt lở cửa biển nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.

Ám ảnh dông lốc, triều cường

Dọc tuyến rừng phòng hộ phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) cũng có gần 100 nóc gia. Trong những trận mưa lớn mới đây, hàng chục căn nhà bị nghiêng ngả, có căn bị sập hoàn toàn. Hơn hết là khu vực ven biển này trũng thấp nên mỗi khi triều cường dâng là ngập sâu gây khó khăn cho việc mưu sinh và sinh hoạt hằng ngày.

Hơn 20 năm sống trong căn nhà lọt thỏm ven rừng phòng hộ Nhà Mát, bà Tạ Thị Thắm chia sẻ: “Sống ở đây nhà cửa tạm bợ, mỗi năm cứ đến những ngày này là mọi người vừa sợ nhà sập vừa sợ triều cường. So với mọi năm, năm nay triều cường dâng cao ngập sâu hơn nửa mét, đồ đạc hư hỏng gần hết, chúng tôi sống khổ sở vô cùng”.

Nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra đối với đời sống cư dân ven biển, mỗi năm các địa phương đều xây dựng kế hoạch, phương án theo từng cấp độ rủi ro của từng loại thiên tai; thường xuyên khảo sát, đầu tư xây dựng nhiều công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển; hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chủ động tự phòng tránh thiên tai an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh đã và đang thực hiện Dự án đầu tư xây dựng các khu dân cư tái định cư cho các hộ gia đình đang sống ở khu vực ven rừng, đầu kênh, ngoài đê biển Đông, trong thảm rừng phòng hộ ở địa bàn từ TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải.

Song vấn đề đặt ra là việc di dời dân vào khu tái định cư lại không phải dễ dàng do vướng việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Một số hộ ý thức kém, còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính quyền nên không chịu di dời và chấp nhận cảnh sống với thiên tai luôn rình rập nơi cửa biển.

Để không còn bất an trước cảnh sạt lở, dông lốc, triều dâng, thiết nghĩ, ngoài việc sớm đẩy nhanh thực hiện các dự án tái định cư thì các ngành, chính quyền địa phương cần nhanh chóng nâng cấp và thực hiện các công trình chống sạt lở, triều cường. Cần có động thái quyết liệt di dời các hộ sống trong khu vực ảnh hưởng nhiều bởi sạt lở, dông lốc. Hơn hết là linh hoạt trong việc hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình sinh kế để họ có thu nhập ổn định hơn!

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.