Đời sống - Xã hội
Bỏ rơi con mới sinh: Báo động sự xuống cấp về đạo đức và vi phạm pháp luật
Thời gian qua, cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng, có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở khu dân cư, trong bệnh viện, ven đường, nhiều nhất là ở các cổng chùa. Có trẻ khi bị bỏ còn nguyên dây rốn, trẻ bị khuyết tật… khiến ai cũng xót xa trước số phận kém may mắn của những “mầm non” vô tội.
Trẻ sơ sinh vừa bị bỏ rơi trong vòng tay Thượng tọa Thích Giác Nghi.
XÓT XA NHỮNG PHẬN ĐỜI
Đầu tháng 9/2020, khi mặt trời chưa ló dạng, những người ở Cơ sở nuôi trẻ mồ côi chùa Long Phước (Phường 5, TP. Bạc Liêu) bỗng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Lần theo tiếng khóc thì phát hiện một đứa bé chưa đầy tháng bị bỏ trước cổng chùa. Đứa bé khóc ngằn ngặt vì khát sữa, vì thiếu hơi ấm của mẹ. Và đây ch2ỉ là một trong nhiều trường hợp mà cơ sở này phát hiện trong nhiều năm qua.
Qua 14 năm hoạt động, Cơ sở nuôi trẻ mồ côi chùa Long Phước đã thu nhận và nuôi dưỡng 33 trẻ từ 1 tháng đến 16 tuổi. Thượng tọa Thích Giác Nghi, Trụ trì chùa Long Phước, cho biết: “Đa phần các bé bị bỏ rơi trước cổng chùa là trẻ sơ sinh, có một số trường hợp bị dị tật, bệnh bẩm sinh. Cơ sở nuôi trẻ nhận vào cưu mang, chăm sóc và chữa bệnh cho các bé. Khi các bé đủ tuổi đi học thì đều được đến trường để học chương trình mẫu giáo, tiểu học…”.
So với Cơ sở nuôi trẻ mồ côi chùa Long Phước, Cơ sở nuôi trẻ mồ côi chùa Vĩnh Phước An (Phường 2, TP. Bạc Liêu) đang nuôi dưỡng số lượng trẻ bị bỏ rơi đông hơn, với trên 70 trẻ. Ở đây, mỗi trẻ là một hoàn cảnh bất hạnh! Có đứa còn cha nhưng mất mẹ, đứa còn mẹ thì mất cha, có đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ. Và cũng có trẻ còn đủ cả cha lẫn mẹ, vậy mà chúng chưa một lần hưởng được hơi ấm từ vòng tay mẹ, sự chăm sóc của cha chỉ vì bị dị tật…
Ngày cất tiếng khóc đầu tiên cũng là lúc bé Lâm Thiên Lễ (tên do nhà chùa đặt) bị mẹ bỏ trước cổng chùa Vĩnh Phước An. Bé vào chùa với tình trạng bên người có một dây tiếp hơi, một dây tiếp sữa, hở hàm ếch nặng. Các bảo mẫu ở đây rất vất vả khi phải đưa bé vào bệnh viện chữa trị và chăm sóc bé ngày đêm, nhờ đó mới giành lại sự sống cho bé từ tay tử thần. Hiện bé đã 3 tuổi, phát triển bình thường như bao trẻ khác, cái môi hở cũng đã được phẫu thuật lành lặn.
Hay như trường hợp của bé Lâm Ngọc Huy bị gia đình bỏ rơi khi vừa hơn 3 tháng tuổi. Đứa bé bất hạnh này khi sinh ra đã không có vành tai, lại mắc nhiều chứng bệnh khác…
“Trong số các cháu bị bỏ rơi có hơn một nửa là trẻ khuyết tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Ở đây, các cháu được chăm sóc, nuôi dưỡng và được đưa đi điều trị kịp thời khi gặp ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm và cộng đồng. Thế nhưng, có mái ấm nào trọn vẹn, có tình thương nào lớn lao bằng tình yêu thương của chính cha mẹ ruột, gia đình của các bé!”, sư cô Nguyệt Hải, người quản lý Cơ sở nuôi trẻ mồ côi Vĩnh Phước An, chia sẻ.
Các bé tại Cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi Vĩnh Phước An. Ảnh: M.L
XUỐNG CẤP ĐẠO ĐỨC, VI PHẠM PHÁP LUẬT
Thực tế cho thấy, số lượng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Có nhiều nguyên nhân như: một bộ phận thanh niên quan hệ tình dục sớm, bừa bãi trước hôn nhân dẫn đến mang thai ngoài ý muốn; một số người không có công ăn việc làm, nghề nghiệp không ổn định, nghèo khó nên phải bỏ con để giảm bớt gánh nặng… Trong khi đó, nhiều người lại không có kiến thức về sàng lọc trước sinh dẫn đến sinh con bị dị tật, bị bệnh bẩm sinh. Nhưng dù lý do gì đi nữa thì hành vi bỏ con khi các bé đang rất cần tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ là một hành động thiếu lương tâm và trách nhiệm, tạo gánh nặng cho xã hội. Có những trường hợp trẻ bị bỏ rơi được phát hiện kịp thời và cứu sống, nhưng cũng có trường hợp trẻ bị bỏ rơi không phát hiện kịp dẫn đến tử vong, rất thương tâm.
Trẻ em có quyền được sống - đó là một trong 4 nhóm quyền được quy định tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Bỏ rơi con là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Bảo vệ - Chăm sóc và Giáo dục trẻ em.
Xét về khía cạnh pháp luật, bỏ rơi trẻ sơ sinh là hành vi vi phạm pháp luật. Về đạo đức là sự tha hóa, suy đồi, báo động cho một lối sống buông thả, vô trách nhiệm... Chính tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tăng cao khiến các cơ sở, nhà trẻ mồ côi thêm phần gánh nặng, trong khi trợ cấp của Nhà nước còn khá eo hẹp.
Do đó, để giải quyết tình trạng trên, rất cần sự vào cuộc sâu sát hơn nữa của các đoàn thể, ngành chức năng. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về dân số, bảo vệ trẻ em; công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là thanh thiếu niên, công nhân tại các khu công nghiệp, lao động nghèo tự do…
Tình mẫu tử vốn thiêng liêng và đứa con luôn là tương lai, niềm tự hào của người mẹ, của gia đình. Trong khi nhiều người luôn khao khát được làm cha, làm mẹ thì có một số người khi sinh con ra lại bỏ rơi. Đây là hệ lụy đau lòng cho xã hội khi vấn đề đạo đức, tình người không được xem trọng ở một bộ phận người dân.
MINH LUÂN
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025
- Trao tặng 35 bồn chứa và máy lọc nước cho các hộ khó khăn huyện Đông Hải
- Xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau sau hợp nhất
- Chính thức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013
- Mua Motor Giảm Tốc Dolin