Bấp bênh đời ngư phủ

Thứ Sáu, 20/10/2023 | 16:37

Luôn đối diện với đầu sóng, ngọn gió, đón bình minh trên biển, bữa cơm chan đầy nước biển hay những giấc ngủ chập chờn cùng con sóng… dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt thường nhật của những ngư phủ. Cơ cực là thế nhưng cuộc sống của ngư phủ thì vẫn mãi bấp bênh theo từng cơn sóng.

Tàu cá ngư dân Bạc Liêu vươn khơi. Ảnh: C.L

Mưu sinh trên ngọn sóng

Bạc Liêu có hơn 6.200 ngư phủ lao động trên 1.100 phương tiện đánh bắt. Một thực tế vẫn tồn tại là người làm nghề biển thì nhiều, nhưng người làm giàu từ nghề biển lại rất ít. Bởi lẽ, thu nhập chủ yếu của ngư phủ đều phụ thuộc vào sự may rủi của những chuyến đi. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tàu nhỏ của ngư dân không đủ sức vươn khơi, chỉ có thể đánh bắt ven bờ, tận thu những loại thủy sản nhỏ nên lợi nhuận mang về chẳng là bao.

Mức thu nhập của lao động nghề biển tùy thuộc vào phương tiện và vùng khai thác. Đối với ngư phủ làm việc trên thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ thì thu nhập từ 200.000 - 500.000 đồng/chuyến đi biển mỗi ngày; ngư phủ theo ghe khai thác ở vùng lộng có thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/chuyến biển; ngư phủ theo ghe lớn đánh bắt xa bờ có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/chuyến. Tuy nhiên, không phải chuyến ra khơi nào cũng thuận lợi và đạt mức thu nhập như trên, đặc biệt là đối với các phương tiện đánh bắt ven bờ và vùng lộng.

Gắn bó với nghề biển hơn 20 năm, ông Trần Văn Thủ (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Ra biển thì có tiền, lên bờ thì lại… hết tiền, đời sống của ngư phủ chúng tôi dường như từ lúc sinh ra đã gắn liền với biển. Trước đây, biển nhiều tôm cá, đánh bắt ven bờ, vùng lộng ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng, trang trải cuộc sống, nhưng những năm gần đây biển ít tôm, cá, nhiều anh em chuyển lên bờ làm công nhân hoặc xin làm bạn thuyền đi đánh bắt xa bờ. Dù thu nhập có khá hơn, nhưng cuộc sống vẫn vậy, vẫn phụ thuộc vào từng chuyến biển”.

Biển cũng có mùa thuận, mùa nghịch cho đánh bắt thủy sản. Hiện nay đang vào mùa mưa bão nên nhiều tàu cá có công suất nhỏ phải neo bến chờ biển lặng. Đồng thời, hiệu quả khai thác của các tàu ngoài khơi cũng không cao nên thu nhập của người đi biển cũng giảm. Đánh bắt thủy sản khó khăn nên đời sống của ngư phủ cũng bấp bênh như con nước thủy triều, đó là chưa kể đến những hiểm nguy mà họ phải đối mặt. Anh Hồ Hoàng Thanh (ấp 2, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Đủ ăn thôi là may mắn rồi chứ khó làm giàu lắm, phần lớn là ăn trước trả sau. Giữa muôn trùng sóng nước, chúng tôi chỉ biết cầu mong mọi sự tốt lành, trời yên, biển lặng để yên tâm vươn khơi, bám biển”.

Một ngư phủ chuẩn bị bữa cơm cho các bạn thuyền khi đang đánh bắt trên biển.

Cần hỗ trợ nghề biển

Thông thường, chi phí cho một chuyến đi biển đánh bắt xa bờ đối với loại tàu trên 90CV lên đến 150 - 170 triệu đồng. Chính vì vốn của những chuyến ra khơi rất lớn, nên phần lớn các chủ tàu đều “vay nóng” bên ngoài. Một phần để trang trải chi phí cho chuyến biển, một phần là để ứng trước cho anh em bạn thuyền để họ gửi lại cho người thân trên đất liền chi tiêu. Tuy nhiên, đó là cơ hội để giới thương lái, chủ các nhà máy thu mua, chế biến thủy sản ép giá. Mặt khác, trong khi giá cá nguyên liệu trong năm không tăng, nhưng giá xăng dầu thường xuyên tăng, đó là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân đánh bắt ít có lãi. Những ngày gần đây, những chuyến tàu lỗ vốn ngày càng nhiều, khiến thu nhập của ngư dân bấp bênh như mạn tàu trước sóng cả.

Ông Mã Thanh Tường (ấp 1, thị trấn Gành Hào), cho biết: Gia đình tôi có 2 chiếc tàu với công suất bình quân trên 500 mã lực mỗi chiếc, do là tàu cá có công suất lớn nên tổng chi phí ra khơi cho mỗi chuyến biển kéo dài 1 tháng tương đương khoảng 700 triệu đồng. Tính từ thời điểm xuất hành đến nay, tàu cá của ông Tùng đã ra khơi được 14 ngày nhưng sản lượng đánh bắt lại rất thấp, chi phí cho chuyến biển thì cứ tăng lên mỗi ngày nên khả năng lỗ vốn rất cao.

Thiết nghĩ, ngành quản lý cần sớm có những giải pháp để hỗ trợ nghề biển như: triển khai bảo hiểm đối với các tàu nhỏ đánh bắt ven bờ, đẩy mạnh liên kết tìm kiếm thị trường cho đầu ra các mặt hàng thủy sản, kịp thời triển khai các nghị định hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu, vay vốn theo từng chuyến đi biển…

Với ngư phủ, con tàu là nhà, biển là quê hương, đất liền chỉ là bến trọ. Đời ngư phủ cứ phải đi về giữa “bến trọ” và quê hương. Không một ngư phủ nào biết mình đã bao nhiêu lần vượt sóng ra khơi, nhưng có một điều họ biết rất rõ, đó là mỗi lần rời bến, họ đã đánh cược đời mình trước muôn vàn hiểm nguy ở đại dương.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.