Bạo lực tinh thần - Nỗi đau vô hình!

Thứ Hai, 10/06/2024 | 16:18

Nhắc đến bạo lực gia đình, người ta thường nghĩ đến những vết thương trên thân thể do đánh đập, hành hạ, gây thương tích. Thế nhưng, có một loại bạo lực âm thầm tạo nên những vết thương sâu thẳm trong tâm hồn - đó là bạo lực tinh thần (BLTT). Xã hội càng hiện đại, phát triển thì BLTT càng khó để nhận diện. Những nỗi đau mà nạn nhân phải gánh chịu dai dẳng, đớn đau nhưng rất khó để giãi bày, kêu cứu.

Khởi phát của bệnh trầm cảm

BLTT chủ yếu sử dụng lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá nạn nhân; hoặc kiểm soát, cấm đoán, cô lập hoạt động của nạn nhân; lợi dụng vị thế trong gia đình của mình để gây áp lực, buộc người kia phải tuân theo mình… BLTT rất khó ngăn chặn, xử lý vì không để lại “tang chứng, vật chứng” trên cơ thể nạn nhân. Và điều đáng nói là càng ở trong gia đình trí thức thì người bị bạo hành càng khó nói ra nỗi đau bằng lời do tâm lý muốn giữ thể diện, do e ngại ảnh hưởng đến người thân. Loại bạo lực này đã và đang âm thầm hành hạ nạn nhân một cách  âm ỉ, vô hình, nó gặm nhấm tinh thần người trong cuộc, khiến họ mất đi niềm hạnh phúc bình thường, nhu nhược và dễ có cảm xúc tiêu cực.

Có chồng là doanh nhân thành đạt nên cuộc sống của chị T. (Phường 1, TP. Bạc Liêu) cùng 2 đứa con luôn đủ đầy vật chất và được nhiều người ao ước, ngưỡng mộ. Song, bên ngoài vẻ hào nhoáng, sang trọng ấy là những chuỗi ngày buồn bã mà chỉ người trong cuộc như chị T. mới biết. Chị T. ở nhà chăm sóc con, chồng thì thường xuyên đi sớm về muộn, đi làm xa, mải lo kiếm tiền, giao lưu cùng đối tác. Việc lớn, việc nhỏ trong nhà nếu có dính líu đến tiền bạc đều do chồng chị T. tự quyết. Dù chưa bao giờ đánh vợ nhưng những lời chê bai, xúc phạm hằng ngày còn đau hơn muôn vàn mũi dao khiến trái tim chị T. đau nhói, tổn thương. Vì thương con, nghĩ đến tương lai của con nên chị nhẫn nhịn, âm thầm chịu đựng đến nỗi mắc bệnh trầm cảm lúc nào không hay. May nhờ người thân phát hiện kịp thời khuyên chị nên học nghề. Hiện tại, chị T. đã có việc làm với khoản thu nhập kha khá, được tiếp xúc với nhiều người nên tinh thần của chị phấn chấn hơn và không còn yếu đuối, nhu nhược như trước.

Không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng bị BLTT. Có không ít trường hợp người chồng bị vợ hành hạ tinh thần như: hay bắt lỗi, chê bai bất cứ việc gì chồng làm, so sánh chồng mình với chồng người khác, kiểm soát thời gian, tiền bạc, điện thoại, ghen tuông vô cớ…, làm phức tạp mối quan hệ, hoặc thờ ơ lạnh nhạt dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống. Vợ chồng BLTT lẫn nhau cũng chính là nguyên nhân phát khởi trầm cảm và sang chấn tâm lý do phải sống trong môi trường u uất, buồn bã trong thời gian dài.

Một buổi tuyên truyền về bình đẳng giới, bạo lực gia đình cho hội viên phụ nữ của Hội LHPN huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: T.Q

Vết thương sâu khó liền sẹo

BLTT không chỉ gây tổn thương tâm hồn, sức khỏe của nạn nhân, mà còn ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Không khí căng thẳng, nặng nề, chì chiết nhau trong gia đình sẽ khiến tâm lý trẻ không ổn định, có thể gây lệch lạc về nhận thức cũng như sự phát triển thể chất của trẻ. Đặc biệt là các hành vi chửi mắng, la hét, ép buộc trẻ làm theo ý mình khiến trẻ trở nên hụt hẫng, tự ti, mặc cảm, muốn chống đối. Những lời lẽ có tính sát thương cao dù không để lại thương tích trên cơ thể nhưng lại cứa sâu vào tâm hồn đứa trẻ, hình thành những vết sẹo tâm lý rất khó chữa lành. Một số đứa trẻ hay bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói thường thu mình lại, sống trong thế giới riêng, ngày càng mất kết nối với cha mẹ, thậm chí các em còn rơi vào trầm cảm, có suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng đến bản thân. Đối với những đứa trẻ không cam phận, có thể phản kháng và có những cách hành xử ngỗ ngược, dùng ngôn ngữ tiêu cực đối đáp với người xung quanh hoặc cãi lại, lớn tiếng với chính cha mẹ mình.

BLTT không chỉ giữa vợ - chồng mà còn có ở sự bất đồng, mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu, mâu thuẫn chị dâu - em chồng, anh em ruột… BLTT không gây ra hậu quả ngay lập tức, nhưng vấn nạn này sẽ từ từ ăn sâu và hành hạ sức khỏe tinh thần của nạn nhân. Một khi tinh thần không vững vàng thì sức khỏe thể chất cũng từ đó mà lao dốc, tăng nguy cơ dẫn đến những hậu quả khó lường khác.

Gia đình là nơi để yêu thương - câu nói trên không bao giờ sai, gia đình là tổ ấm của mỗi người, là nơi để chúng ta luôn cảm thấy được bao bọc, chở che mỗi khi được trở về. Song thực tế cho thấy, BLTT đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít người khi trở về với ngôi nhà thân thương của mình. Chính vì vậy, ngoài việc dũng cảm đối mặt để giải quyết vấn đề, người trong cuộc cần tìm kiếm sự trợ giúp từ họ hàng, người thân, Hội Phụ nữ… nhằm giúp đỡ, chia sẻ với mình; mạnh dạn đấu tranh thẳng thắn và có thể tự giải thoát cho mình nếu không thể cải thiện được tình hình. Khi đẩy lùi được BLTT - nỗi đau vô hình ra khỏi cuộc sống thì mỗi người, mỗi mái ấm gia đình mới thật sự hạnh phúc trọn vẹn.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.