Đời sống - Xã hội
Âm ỉ nỗi đau bạo lực gia đình
Hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) không chỉ gây tổn thương về sức khỏe và tinh thần của các thành viên mà còn khiến cho không ít gia đình đổ vỡ, ly tan... Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì nạn BLGĐ cũng để lại những hậu quả nặng nề đối với nạn nhân và con trẻ.
Sở LĐ-TB&XH tuyên truyền về bình đẳng giới cho hội viên phụ nữ huyện Vĩnh Lợi.
BLGĐ và những hệ lụy
Mặc dù đã có cháu nội, cháu ngoại, song cứ cách vài tuần là bà Lý Thị Thương (58 tuổi, khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) lại bị chồng đánh mắng rồi đuổi ra khỏi nhà. Chồng bà Thương là ngư phủ, sau mỗi chuyến đi biển vào đất liền thường tụ tập bạn bè uống rượu say, sau đó lôi vợ ra đánh. Thường xuyên chứng kiến cảnh bà Thương bị bạo hành, hàng xóm xung quanh khuyên nên ly hôn, hoặc báo chính quyền... nhưng bà đều lặng thinh cam chịu. “Vợ chồng sống với nhau mấy chục năm nên ráng chịu đựng để giữ êm ấm nhà cửa, hy vọng có ngày ổng sẽ hồi tâm chuyển ý. Chứ chuyện xấu trong gia đình mà càng làm lớn chuyện thì càng nhiều người biết và cười chê, con cái buồn phiền, mặc cảm”, bà Thương chia sẻ. Chính vì suy nghĩ này đã khiến bà trở nên nhu nhược, trong khi sức khỏe thì ngày xuống dốc do bị bạo hành và đầu óc cũng không được tỉnh táo như lúc trước.
BLGĐ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc… Đối tượng bị BLGĐ khá đa dạng, không chỉ có phụ nữ nghèo ở nông thôn, mà phụ nữ ở khu vực đô thị, những người có trình độ học vấn cao, có điều kiện kinh tế khá giả vẫn có thể bị bạo hành.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLGĐ vẫn còn thường xuyên diễn ra chính là do sự cam chịu từ phía nạn nhân, mà cụ thể nhất là phía người vợ và những đứa trẻ. Bởi còn mang nặng lối suy nghĩ cổ hủ nên tuy bị đánh đập, ức hiếp, áp đặt nhưng họ vẫn cứ im lặng, chịu đựng một mình. Tình trạng này kéo dài nhiều năm dẫn đến trầm cảm và rối loạn tâm lý, nhiều trường hợp đã dẫn đến bị thương tật suốt đời, thậm chí có thể tử vong.
Ngoài bạo lực trên thể xác thì bạo lực về mặt tinh thần cũng gây ra nhiều nỗi đau và hệ lụy vô cùng to lớn. Nạn nhân của bạo lực tinh thần không chỉ là bạo lực giữa vợ chồng với nhau, mà còn là hành vi bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình. Loại bạo lực này chủ yếu sử dụng lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá nạn nhân; lợi dụng vị thế trong gia đình của mình để gây áp lực, buộc người kia phải tuân theo mình, kiểm soát hoạt động của nạn nhân; hoặc thờ ơ, lạnh nhạt, không giao tiếp với nhau trong thời gian dài… Bạo lực tinh thần cứ âm thầm gặm nhấm, hành hạ tinh thần của nạn nhân dẫn đến các bệnh về tâm lý thần kinh, những nỗi đau mà nạn nhân phải gánh chịu dai dẳng, đớn đau nhưng rất khó để kêu cứu, thậm chí có người còn tự tìm đến cái chết để giải thoát.
Đối với những đứa trẻ, việc bạo lực từ tinh thần đến thể xác khiến trẻ phải hứng chịu những tổn thương tâm lý rất trầm trọng mà các bậc phụ huynh gây ra. Từ đó, trẻ dễ tìm đến những hoạt động giải trí không lành mạnh hoặc sinh ra tâm lý bất cần, nổi loạn ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý và tương lai của trẻ sau này.
Hội LHPN phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Ảnh: T.Q
Loại bỏ BLGĐ - trách nhiệm không của riêng ai
Những năm qua, công tác thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo; cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung vào cuộc. Nhận thức của toàn xã hội về phòng ngừa BLGĐ, bạo lực giới từng bước nâng cao, từ đó đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở các lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... phát huy hiệu quả rõ nét.
Ngoài ra, các cấp, ngành, hội, đoàn thể còn tích cực thực hiện các giải pháp nhằm từng bước xóa bỏ định kiến giới, hỗ trợ phụ nữ yếu thế như: tăng cường tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ; triển khai xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; thành lập các câu lạc bộ: Bình đẳng giới, Gia đình phát triển bền vững; thiết lập 64/64 đường dây nóng và 64/64 nhóm phòng, chống BLGĐ ở các xã phường, thị trấn nhằm đảm bảo thông tin liên lạc giữa các nạn nhân bị BLGĐ.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác triển khai thực hiện pháp luật về phòng, chống BLGĐ cũng còn hạn chế. Cụ thể là sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và ban, ngành, đoàn thể còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi BLGĐ chưa nghiêm minh, thiếu kiên quyết nên chưa tạo tính răn đe. Xã hội chưa mạnh mẽ lên án đối với những người gây ra BLGĐ và xem đó là việc nội bộ của mỗi gia đình. Nhiều nạn nhân chưa mạnh dạn trình báo để được bảo vệ khi BLGĐ xảy ra.
BLGĐ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng tới gia đình, tạo ra nhiều hệ lụy xã hội. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, mỗi thành viên trong gia đình phải nâng cao ý thức, xóa bỏ cái tôi, phải biết cư xử văn hóa, văn minh với nhau để bạo lực không có mầm mống phát sinh.
Minh Luân
- Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
- Bộ Quốc phòng kiểm tra các mặt công tác tại một số đơn vị đóng quân trên địa bàn Tây Nam Bộ
- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức đối thoại với công dân tại Hà Nội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8