Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
(BL-KP) Ngày 26/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh cho biết: Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009, sau hơn 20 năm thực hiện, bên cạnh việc phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu thì cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận ngày 26/6. Ảnh: Đoàn ĐBQH cung cấp.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được gợi ý thảo luật với 7 vấn đề chung, 9 vấn đề cụ thể, 8 nội dung gợi ý thảo luận, trong đó đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận kỹ một số nội dung về quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; các chính sách phát triển di sản văn hóa; khu vực bảo vệ của di tích; phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Qũy bảo tồn di sản văn hóa.
Đề cập nội dung chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, hiện chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa được quy định ở Điều 7 dự Luật. Tuy nhiên, còn nhiều chính sách nằm tản mạn ở các nội dung của các Điều 5, 13, 79, 80, 81, 82, 88. Do đó, nếu không thể tổng hợp các chính sách vào một điều luật thì nên để tên Điều 7 là chính sách chung của Nhà nước về di sản văn hóa để sang các chương chi tiết, chúng ta có những chính sách cụ thể.
Đối với quy định về cấp độ, tiêu chí xếp hạng và hình thức xếp hạng di tích tại Điều 23, đại biểu cho rằng, do phân loại di tích theo loại hình và dự luật cũng đưa ra tiêu chí nhận diện loại hình di tích và xếp hạng dựa trên tiêu chí này. Về cơ bản, dự luật vẫn kế thừa việc xếp hạng di tích thành: di tích cấp tỉnh, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, dự án Luật còn có thêm quy định về cấp độ, tiêu chí và hình thức công nhận di sản thế giới của UNESCO. Về cơ bản, đại biểu Thu Đông tán thành cách xếp hạng di tích này. Tuy nhiên, việc xếp hạng theo tiêu chí xếp hạng như dự luật hiện nay sẽ khó khăn trong công tác xếp hạng, đặc biệt với loại hình di tích là di tích kiến trúc, nghệ thuật, di tích khảo cổ hoặc di tích hỗn hợp do tiêu chí để xếp hạng với những loại di tích này không có sự rõ ràng để xác định và xếp hạng cho đúng là di tích cấp tỉnh, quốc gia hay quốc gia đặc biệt.
Do đó, nếu vẫn giữ cách quy định xếp hạng trong dự luật hiện nay thì đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo xác định rõ các tiêu chí xếp hạng đúng với các loại di tích kể trên. Hoặc bổ sung giao Chính phủ hoặc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn cụ thể cho các tiêu chí để xếp hạng.
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước