Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với nhiều dự án luật
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã bước sang ngày làm việc thứ 11 của đợt 1, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật khác. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bạc Liêu với nhiều đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với nhiều dự thảo luật tại hội trường, thảo luận tổ, góp phần giúp Ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội thông qua hoặc tiếp thu chỉnh lý.
Các ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận tại Tổ 6 trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Đóng góp ý kiến về các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp lần này, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu - Nguyễn Huy Thái quan tâm nhiều đến các dự án luật về phát triển con người, phát triển năng lượng xanh; đổi mới sáng tạo công nghệ… Điển hình như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), đại biểu ủng hộ Đề án thành lập Quỹ thúc đẩy SDNLTK&HQ, vừa nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, vừa huy động thêm các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội; tạo thêm công cụ để thực hiện tốt hơn vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước, khắc phục những khiếm khuyết của kinh tế thị trường. Đồng thời, đề nghị quy định rõ và cụ thể hơn đối với một số nội dung cơ bản liên quan đến việc thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ trong dự thảo Luật làm căn cứ để Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện. Kiến nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc SDNLTK&HQ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn thực hiện Chương trình tiết kiệm năng lượng và hiệu quả…
Là một trong những ĐBQH có nhiều đóng góp liên quan đến nhiều dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội dành nhiều quan tâm đến các chính sách phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử như dự thảo Luật Nhà giáo, liên quan đến quyền của nhà giáo, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định về việc nhà giáo có quyền được từ chối thực hiện công việc không đúng vị trí việc làm và hợp đồng đã ký với cơ sở giáo dục; xem xét, bổ sung quyền của giáo viên trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy, đánh giá học sinh và điều chỉnh nội dung giảng dạy; hạn chế các can thiệp hành chính mang tính áp đặt; cần tạo hành lang pháp lý để giáo viên yên tâm đổi mới sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp; đề nghị bổ sung thêm giáo viên dạy tiếng dân tộc là đối tượng được hưởng chính sách thu hút trọng dụng của nhà giáo…
Là đại biểu thường xuyên có những đóng góp nhằm bảo vệ các quyền chính đáng của đông đảo giới văn học - nghệ thuật, ĐBQH Trần Thị Thu Đông - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo, Quốc hội xem xét, bổ sung đối tượng là công chức đối với người làm việc chuyên trách tại các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ làm việc chuyên trách tại 30 hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, trong đó có Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam… là lực lượng trực tiếp tổ chức triển khai nhiều chủ trương lớn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, nhân đạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người yếu thế… Đây là những lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi chuyên môn sâu, năng lực kết nối xã hội cao nhưng lại thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng để ghi nhận đầy đủ vị trí pháp lý và chế độ tương xứng so với các đối tượng khác trong xã hội.
ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh lại thường dành sự quan tâm cũng như có những ý kiến đóng góp về các dự thảo luật dành cho giới trẻ, các tổ chức chính trị - xã hội và các vấn đề nghiên cứu, sáng tạo… Đóng góp ý của mình cho dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với quy định về chấp hành rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới mới sáng tạo; đại biểu cho rằng, đây là quy định mới góp phần khuyến khích các cá nhân có nhiều ý tưởng sáng tạo, tạo sự đột phá, bứt phá trong các lĩnh vực nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm mới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Từ đó, đại biểu đề nghị phải có quy định cụ thể về các mức độ rủi ro, phân định các lỗi rủi ro do khách quan, chủ quan nhằm tránh sự lạm dụng của doanh nghiệp hay cá nhân nào đó trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo.
Bài và ảnh: KIM PHƯỢNG
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới