Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Nhiều đóng góp vào các dự thảo luật
Sau 18 ngày diễn ra, đợt 1 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khép lại với nhiều kết quả nổi bật. Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tham gia tích cực, chuẩn bị chu đáo và có nhiều đóng góp cho các dự thảo luật, các vấn đề về kinh tế - xã hội.
Đồng chí Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu điều hành các phiên thảo luận tại tổ.
Tại kỳ họp này, đồng chí Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công làm tổ trưởng, điều hành thảo luận tại Tổ 10 gồm các tỉnh Thái Bình, Tiền Giang và Bạc Liêu.
Trong đợt 1 của kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi dấu ấn nổi bật trong việc tích cực tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đất nước và tập trung thảo luận về 14 dự thảo luật gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên...
Đơn cử như tại thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), phát biểu tại nghị trường các vấn đề còn băn khoăn, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đã nêu tác động của cải cách tiền lương đối với Dự án Luật BHXH. Đại biểu dẫn chứng, các quy định trong dự thảo luật đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chính sách tiền lương, bởi đây là căn cứ để thu, chi và thực hiện chế độ BHXH. Đại biểu còn cho rằng, việc sử dụng cũng như chính sách liên quan đến quỹ BHXH là vấn đề lớn, việc thay đổi chính sách không thể không lấy ý kiến rộng rãi người lao động trong bối cảnh cải cách tiền lương. Đại biểu cũng lưu ý, chính sách BHXH còn là sự chia sẻ giữa các thế hệ, người đóng BHXH hôm nay sẽ có tác động đến lương hưu của người đã nghỉ hưu, cần phải được quan tâm đầy đủ trong quá trình cải cách tiền lương.
Hay như đại biểu Nguyễn Huy Thái - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, tiếp tục chuyển tải những bức xúc của cử tri tỉnh nhà đối với vấn đề ô nhiễm môi trường qua rất nhiều đợt tiếp xúc cử tri. Tại đợt 1 của kỳ họp này, đại biểu bày tỏ sự quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường, nhất là các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến thu gom, phân loại, xử lý rác. Đại biểu đề nghị Chính phủ phải dành sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đã tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại nghị trường về vấn đề xử lý rác thải - hiện vẫn là một trong những bức xúc lớn trong nhân dân, nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, căn cơ.
Các ĐBQH tỉnh còn tham gia nhiều ý kiến trong các buổi thảo luận tại tổ đóng góp các dự thảo luật. Với dự thảo Luật Bình đẳng giới, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cho rằng, tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với trình độ, năng lực của phụ nữ hiện nay và chưa đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đại biểu đề nghị phải quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác rà soát, quy hoạch, đào tạo, chăm bồi, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ là người dân tộc tham gia vào cấp ủy, chính quyền các cấp. Đại biểu cũng lên tiếng liên quan đến tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, mua bán người, đề nghị Trung ương cần có giải pháp cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và mua bán người.
Ông Nguyễn Huy Thái - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ.
Tại phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp cả nước về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Trần Thị Thu Đông đề nghị Chính phủ quan tâm đến nhiệm vụ và giải pháp thứ 6 liên quan đến lĩnh vực văn học - nghệ thuật (VH-NT) trong quá trình điều hành thời gian tới.
Đại biểu nhận thấy, nhằm phát triển, giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, VH-NT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm phê duyệt nhiều chương trình, dự án, đề án liên quan đến VH-NT, nhưng khi cụ thể hóa, triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, làm rào cản đối với một số hoạt động VH-NT. Như vấn đề cấp ngân sách hoạt động cho các Hội VH-NT; hay vướng mắc về cơ chế cấp nguồn kinh phí để trao giải thưởng cho văn nghệ sĩ hằng năm… Đại biểu Trần Thị Thu Đông cũng tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về số liệu thống kê du lịch ở Việt Nam và giải pháp để có hệ thống và kết quả thống kê chính xác, đủ độ tin cậy.
Bài và ảnh: KIM PHƯỢNG
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước