Cuộc sống quanh ta
Lạc giữa tiếng rao khuya
Tôi đã có 15 năm làm bạn với phố trước khi trở về quê nhà. Rồi một ngày có dịp trở về với phố, giữa một đêm xao xác gió, những tiếng rao khuya thao thiết, nghẹn ngào lại vang lên. Lòng hoang hoải, tôi nhớ thương một điều xưa cũ, tiếng rao khuya thân thương lạ kỳ!
Ảnh minh họa: Internet
Phố có nhiều điều mới lạ nhưng trong tôi tiếng rao khuya luôn in đậm một dấu nét chẳng thể nhòa phai. Nhớ những ngày đầu mới đến phố, cô sinh viên tỉnh lẻ là tôi, mỗi khi màn đêm buông xuống là nỗi nhớ quê, nhớ gia đình cứ ùa về mạnh mẽ. Một mình trong căn gác trọ chật hẹp, chẳng thể tâm sự cùng ai, tôi lặng lẽ ngước mắt nhìn qua ô cửa nhỏ, phía bên ngoài ánh đèn đường vàng vọt hắt lên những tàn cây cao vút. Tôi cứ trầm ngâm như thế cho đến khi bắt gặp những tiếng rao vang lên. Ở quê tôi không có những tiếng rao khuya nên tiếng rao ở phố khiến cho tôi tò mò. Tôi lắng tai nghe. Âm thanh đêm khuya tĩnh lặng. Một vài tiếng động cơ xe máy chạy qua. Tiếng gió xào xạc. Tiếng dế nỉ non. Và những tiếng rao khuya.
Ban đầu là tiếng rao của một người phụ nữ: “Ai bắp luộc không?”. Nối tiếp là tiếng rao của người đàn ông: “Ai bánh mì, xôi mặn… đê… ê… ê…!”. Chỉ cần nghe tiếng rao, tôi cũng nhận ra được họ đều là những người luống tuổi, chắc cỡ tuổi ba mẹ tôi. Tiếng rao như nặng nhọc oằn theo từng vòng xe đạp lạo xạo, ngược dòng trong gió đông. Tiếng rao chậm rãi, đều đặn vang lên cho đến khuất tầm nhìn của tôi. Mỗi lần nghe tiếng rao khuya, thẳm sâu trong lồng ngực của tôi lúc đó nghẹn ngào và đồng cảm. Những người rao hàng không phải là ba mẹ, người thân ruột thịt của tôi, nhưng tôi vẫn cứ mong họ bán hàng thật nhanh, rồi trở về giấc ngủ của mình.
Những tiếng rao trên phố ắt hẳn đều xuất phát từ những phận người nghèo khổ. Mỗi tiếng rao mang dáng dấp của một vùng miền khác nhau đã cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Cùng một món hàng nhưng tiếng rao không hề giống nhau, chỉ có điểm chung là tiếng rao nào nghe cũng buồn, mang dáng dấp một nỗi niềm tâm sự. Những lúc đó tôi nhớ đến mẹ, những người phụ nữ một nắng hai sương ở quê nhà, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chắt chiu từng đồng bạc để vun vén cuộc sống gia đình, chuyện ăn học của các con.
Hôm nay đây, khi tôi trở lại phố, những tiếng rao lại ngân lên, vừa thân thương, gần gũi nhưng vừa xót xa như thuở nào. Chúng làm tôi lưu luyến nhớ, nhớ những tháng ngày gian khó gắn bó với phố, nhớ những mảnh đời kém may mắn và những tiếng rao thân thương đã làm nên một phố phường với bao âm sắc diệu kỳ!
Cao Thơm
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước