CHUYỂN ĐỔI SỐ

Phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số

Thứ Sáu, 24/03/2023 | 16:59

Thời gian gần đây, cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông của Bạc Liêu đã được tăng cường đầu tư mở rộng và hoạt động ổn định, hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai đồng bộ các hệ thống thông tin quan trọng, kết nối liên thông đến cấp xã. Đây cũng được xem là nền tảng để triển khai 3 trụ cột của chuyển đổi số (CĐS) và phát triển đô thị thông minh.

Đầu tư công nghệ hiện đại

Thời gian qua, hạ tầng viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các doanh nghiệp đầu tư mở rộng mạng lưới với công nghệ hiện đại, góp phần quan trọng trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, trên toàn tỉnh có 1.412 trạm thu phát sóng di động (BTS), tất cả xã, phường, thị trấn có cáp quang tới trung tâm xã và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng. Toàn bộ trường học, bệnh viện trong tỉnh có kết nối Internet băng rộng, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã kết nối mạng nội bộ và Internet. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước được duy trì, kết nối đến cấp xã phục vụ khai thác các hệ thống thông tin dùng chung của Đảng và Nhà nước.

Ông Phạm Văn Khanh - Phó Giám đốc Viettel Bạc Liêu đo tốc độ truy cập Internet 5G trong ngày đầu thử nghiệm (10/10/2022).

Hiện tỉnh đã thực hiện việc chuyển đổi sử dụng IPv6 (viết tắt của Internet Protocol version 6 - Giao thức liên mạng thế hệ 6) với một số hệ thống thông tin tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh theo kế hoạch, lộ trình của Bộ TT&TT. Các hệ thống tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh được duy trì hoạt động liên tục, ổn định đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, đơn vị để phục vụ tốt việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của các cơ quan nhà nước tại tỉnh. Trục kết nối liên thông cấp tỉnh đảm bảo kết nối với trục liên thông quốc gia và một số bộ, ngành.

Kết nối thông suốt

5G là công nghệ Internet di động mới nhất, được cho là tương lai của mạng di động. So với các thế hệ mạng 4G, 3G và 2G, thì 5G cung cấp thông lượng dữ liệu được cải thiện đáng kể, mạng lưới sử dụng năng lượng ít hơn, hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT). Và từ tháng 10/2022, Viettel đã chính thức khai trương dịch vụ 5G tại Bạc Liêu, đưa Bạc Liêu vào danh sách một trong 5 tỉnh phía Nam được triển khai sóng 5G phục vụ thương mại, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại địa phương. Viettel lắp đặt 3 trạm 5G, lượng truy cập trung bình hơn 1.000 lượt/ngày.

Sau hơn 6 tháng triển khai, ông Phạm Văn Khanh - Phó Giám đốc Viettel Bạc Liêu cho biết mạng di động 5G đã đáp ứng yêu cầu băng thông siêu rộng, tốc độ siêu cao (gấp từ 10 - 50 lần so với 4G), độ trễ thấp, độ tin cậy cao và yêu cầu số lượng kết nối lớn mà 4G không đáp ứng được, mang lại hiệu quả tuyệt đối cho người sử dụng.

Còn về phía VNPT Bạc Liêu, doanh nghiệp đã triển khai mạng cáp quang rộng khắp và phủ sóng 4G toàn tỉnh, có đầy đủ kết nối đến toàn bộ UBND các cấp, sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, đáp ứng nhu cầu sử dụng mạng truyền số liệu, sử dụng Internet, góp phần làm tiền đề để tỉnh triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ. VNPT Bạc Liêu còn cung cấp hệ thống đường truyền và phần mềm hội nghị trực tuyến cho 7/7 UBND cấp huyện, kết nối đến 64/64 UBND cấp xã.

Thi công kéo cáp viễn thông ở xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: N.Q

Trong năm 2023, theo ông Nguyễn Chí Dũng - Trưởng đại diện, Giám đốc VNPT Bạc Liêu, doanh nghiệp sẽ lắp đặt thêm hơn 20 BTS 4G, năm 2022, con số này là 50 trạm. Ông Dũng khẳng định, với năng lực hiện tại, VNPT Bạc Liêu cung cấp đủ và vượt nhu cầu sử dụng của các thuê bao, song doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng hạ tầng mạng băng rộng di động và cố định để phục vụ CĐS của tỉnh tốt hơn.

Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Bạc Liêu nhận định, hiện nay trang thiết bị, hạ tầng CNTT của tỉnh vẫn chưa hoàn thiện, việc đầu tư nâng cấp gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, trình tự thủ tục, từ đó, tiến độ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm. Song về tổng thể, hạ tầng thông tin và truyền thông đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng, góp phần làm tiền đề để triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ (như: triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử, cổng thông tin điện tử, truyền hình hội nghị, cổng tra cứu thông tin về quyền sử dụng đất, hệ thống thông tin ngành Giáo dục, hệ thống thông tin ngành Y tế…).

MẠNH QUÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.